Từ câu chuyện không tưởng ở An Giang
(ABO) Câu chuyện bọn tội phạm dùng “viên đạn 20 tỉ” để bắn Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang minh chứng cho sự liều lĩnh, tinh quái của bọn tội phạm trong thời kinh tế thị trường.
Thật vậy, những ngày qua dư luận “sốc” vì một thông tin thuộc loại “không thể ngờ tới” được Công an An Giang công bố, đó là Trần Trí Mãnh, Giám đốc Công ty Gia Thịnh, một tay trùm sản xuất phụ tùng xe giả, nhớt giả, sau khi bị bắt đã khai bị một số đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang. Ảnh: Công an An Giang |
Cụ thể, do Công an tỉnh An Giang tổ chức tấn công trấn áp quá quyết liệt, đặc biệt tội phạm buôn lậu, hàng giả… một số đối tượng đã giao cho Trần Trí Mãnh tìm cách điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi địa phương khác với giá “điều chuyển” là 20 tỉ đồng. Trí Mãnh đã chuyển trước 10 tỉ và được cam kết “trong 3 ngày sẽ có quyết định”. Dĩ nhiên, chuyện phi lý đó không thể xảy ra, và nhóm môi giới điều chuyển đã không trả lại đủ 10 tỉ cho Trí Mãnh.
Chúng ta biết, Đại tá Đinh Văn Nơi được điều chuyển từ Cần Thơ sang An Giang tháng 7 năm 2020, là một trong những tân giám đốc công an được điều chuyển trong 2 năm qua; đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong tổ chức tấn công tội phạm, tạo được niềm tin trong nhân dân về hình ảnh người công an nhân dân. Sau gần 6 tháng nhậm chức, tân Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã trực tiếp chỉ đạo hàng loạt vụ án “nóng”, bắt nhiều đối tượng cộm cán, thu giữ nhiều súng, đạn, ma tuý, vàng buôn lậu…
Hay trường hợp của đại tá Vũ Hồng Văn - được Bộ Công an chuyển từ Đắk Lắk về làm giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai từ tháng 11-2019 đã quyết liệt trong việc tổ chức lại bộ máy, triển khai tấn công bọn tội phạm trên một địa bàn khá phức tạp; mà điển hình là vừa triệt phá đường dây buôn lậu và làm xăng giả qui mô lớn ở Đồng Nai và các tỉnh.
Tàu được dùng để vận chuyển xăng, dầu . Ảnh: Công an Đồng Nai |
Trong vụ xăng giả ở Đồng Nai, theo công an Đồng Nai, các đối tượng sử dụng tàu biển có trọng tải lớn trực tiếp nhập xăng từ ngoài phao số 0, sau đó để che giấu hành vi phạm tội và gây khó khăn cho lực lượng chức năng, các đối tượng đã sử dụng ụ nổi đưa ra giữa lòng sông Hậu có bề rộng lòng sông là 2,5 km, thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long để neo đậu các tàu, xà lan bơm hút xăng.
Đồng thời tổ chức lực lượng, sử dụng các tàu cao tốc để cảnh giới xung quanh khu vực ụ nổi. Ở trên bờ, đối tượng dùng các nhà nuôi chim yến để cảnh giới người lạ xâm nhập…
Rõ ràng các băng nhóm xã hội đen, tội phạm kinh tế đang ngày càng tinh vi trong phương thức tổ chức và liều lĩnh trong hành động.
Qua đó, cho thấy áp lực, thử thách mà người đứng đầu ngành Công an nói riêng ở các địa phương là rất lớn; trong đó có cả việc phải đối diện với những “viên đạn bọc đường” của những đối tượng phạm tội kinh tế vốn rất nhiều tiền. Nếu không kiên định lập trường, cán bộ điều tra sẽ bị cám dỗ, làm sai lệch hồ sơ vụ án, hoặc "làm lơ" với tội phạm.
Câu chuyện chi 20 tỷ không tưởng xảy ra ở An Giang, và vụ án xăng giả ở Đồng Nai cho thấy vì lợi nhuận (và trong những vụ buôn lậu thì có quá nhiều lợi nhuận) bọn tội phạm có thể làm tất cả. Vì thế những cán bộ, chiến sĩ, lãnh đạo của những ngành quan trọng, trực tiếp đối đầu với tội phạm cần phải tỉnh táo trong xử lý, quyết liệt trong hành động và quan trọng là phải vượt qua chính mình trước những áp lực, cám dỗ rất tinh vi của bọn tội phạm để không thể chết vì những " viên đạn bọc đường".
Và như thế bài học bao đời nay về việc tu dưỡng đạo đức, rèn luyện ý chí, bản lĩnh của người cán bộ, những người giữ trọng trách để đứng vững trước vật chất, tiền bạc vẫn còn nguyên giá trị.
D.S