.

Vắc-xin an dân

Cập nhật: 19:57, 08/03/2021 (GMT+7)

(ABO) Những mũi vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên đã được tiêm chủng vào sáng ngày 8-3 với những đối tượng và địa phương được ưu tiên, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân nói chung.

Và có lẽ đây cũng là một trong những chiến dịch tiêm vắc-xin được triển khai nhanh chóng, với sự chung sức, đồng lòng của cả dân tộc.

Chặng đường tiêm vắc-xin ngừa Codid-19 vẫn phải thực hiện theo lộ trình và cần một thời gian dài nữa mới kết thúc nhưng với những gì được triển khai trong ngày đầu tiên sẽ giúp cho người dân vững tin hơn vào công tác phòng, chống dịch nói riêng và niềm tin vào cuộc sống, cộng đồng nói chung.

Những mũi tiêm vắc-xin đầu tiên trong ngày 8-3.                                                        Ảnh: NDO
Những mũi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên trong ngày 8-3. Ảnh NDO                                              

Bởi cuộc chiến với dịch Covid-19 đã kéo dài hơn 1 năm qua, dịch bệnh đã làm đảo lộn đến cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Phòng, chống dịch Covid-19 còn được xem như là một cuộc chiến bởi những “tàn phá” ghê gớm do dịch bệnh này gây ra.

Vì lẽ đó, cuộc chiến nghiên cứu vắc-xin ngăn ngừa cũng được triển khai một cách “thần tốc” ở nhiều nước trên thế giới. Những lô vắc-xin đầu tiên có hiệu ứng tốt cũng ra đời một cách "thần tốc" và được triển khai tiêm phòng ngay cho người dân ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ý nghĩa phòng ngừa dịch bệnh, vắc-xin ngừa Covid-19 còn được xem là vắc-xin an dân.

Những ai theo dõi cặn kẽ trong suốt chiều dài của dịch Covid-19 từ ngày khởi phát đến nay mới thấm thía những ảnh hưởng của nó; mới cảm nhận được những hy sinh thầm lặng của lực lượng “tuyến đầu” chống dịch. Những hy sinh của họ trong chuỗi ngày vất vả vừa qua để mang lại niềm vui cho cộng đồng, cho xã hội. Vì lẽ đó, họ xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh.

Trong đợt tiêm vắc-xin đầu tiên vào ngày 8-3, những người đã âm thầm cống hiến trong trận chiến phòng, chống dịch vừa qua một lần nữa lại được nhắc đến. Và một điều chắc chắn không là trong số 900 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh được ưu tiên tiêm ngừa Covid-19 đợt này, bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân (28 tuổi), công tác tại Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực - Chống độc người lớn là người được chọn tiêm vắc-xin đầu tiên.

Đây không phải là điều ngẫu nhiên, bởi thông qua công tác truyền thông trong ngày tiêm đầu tiên vắc-xin ngừa Covid-19 công chúng mới biết nhiều thông tin hơn về Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân - người cùng với người bạn đời của mình là bác sĩ Nguyễn Văn Thành Được (cùng công tác tại Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực - Chống độc người lớn) đã phải nhiều lần hoãn đám cưới để chống dịch.

Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân cũng chính là người gắn bó với một trong những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng nhất, đó là bệnh nhân người Anh, quen với nhiều người là bệnh nhân 91. Những cống hiến thầm lặng của họ đã viết nên những câu chuyện đẹp trong cuộc sống vốn đã bộn bề lo toan.

Câu chuyện tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 chắc chắn còn kéo dài trong thời gian tới. Nhưng với những gì đã và đang diễn ra trong ngày hôm nay (8-3) sẽ mở ra một niềm tin mới cho cộng đồng. Bởi đây không chỉ là liều vắc-xin ngừa bệnh thông thường mà hơn hết chính là liều vắc-xin an dân. Đó chính là liều vắc-xin được mang đến thông qua sự chung sức, chung lòng và sự hy sinh thầm lặng của rất nhiều người.

T.T

.
.
.