"Kinh tế vỉa hè"
Tồn tại một cách bền vững trong kinh tế đô thị, nguồn lợi kinh tế thu được từ cái vỉa hè là có thật. Đã có nhiều ý kiến tranh luận giữa các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý đô thị về việc làm sao để khai thác hiệu quả và bền vững giá trị kinh tế vỉa hè mà không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông của người đi bộ.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Mới đây, với vai trò là cơ quan tham mưu, quản lý về giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chính thức có ý kiến với UBND thành phố Hà Nội theo hướng không đồng ý sử dụng vỉa hè 5 tuyến phố trung tâm để kinh doanh theo để xuất của UBND quận Hoàn Kiếm. Cụ thể, trong văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, đề án do UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là quy định về việc sử dụng hè phố không vào mục đích giao thông.
Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề xuất thực hiện thí điểm sử dụng vỉa hè 5 tuyến phố trung tâm để tổ chức kinh doanh, phát triển kinh tế. Việc tổ chức thí điểm các hoạt động kinh doanh trên hè phố là nhằm lập lại trật tự kinh doanh buôn bán tự phát, bảo đảm mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; phát huy giá trị văn hóa của quận và thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chỉnh trang không gian đô thị, tạo không gian kiến trúc, cảnh quan phục vụ cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu đi lại của nhân dân…
Thực tế, trong cấu trúc đô thị, vỉa hè là phần kết nối giữa nhà phố và đường phố, có chức năng công cộng rõ ràng. Vỉa hè dành cho người đi bộ và những hoạt động cộng đồng, còn đường phố dành cho các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy, xe đạp... Vỉa hè còn là nơi lưu giữ, phản ánh sinh động cuộc sống thường nhật, kể cả những hoạt động giao dịch kinh tế của cư dân đô thị. Như đường phố, vỉa hè luôn nhộn nhịp từ sáng sớm đến đêm khuya.
Vỉa hè gắn liền với sự ra đời của đô thị, cũng như các đô thị khác, ở Hà Nội, không nhà mặt phố nào lại không có hoạt động thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, trong thời buổi kinh tế thị trường, vỉa hè đã trở thành cái mỏ vàng cho các nhà mặt phố, người bán hàng rong, quán nước… và cho cả chính quyền sở tại khi khai thác làm điểm trông giữ xe máy, ô tô…
Đã có nhiều ý kiến tranh luận giữa các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý đô thị về việc làm sao để khai thác hiệu quả và bền vững giá trị "kinh tế vỉa hè" mà không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông của người đi bộ.
Và kinh tế vỉa hè đã được đặt ra, được nhìn nhận một cách nghiêm túc như tự thân hoạt động của nó bởi kinh tế vỉa hè là có thật. Nó tồn tại một cách bền vững trong kinh tế đô thị, thậm chí còn tạo ra cả cái gọi là “văn hóa vỉa hè”.
Tổng cục Thống kê từng thông kê và công bố, kinh doanh trên vỉa hè và cửa hàng, cửa hiệu trên đường phố đã tạo ra 11 - 13% GRDP của cả thành phố. Cùng với đó là hàng vạn người có việc làm ổn định và thu nhập ổn định bởi những gánh hàng rong, quán hàng rong trên vỉa hè đường phố.
Đó chính là “không gian kinh tế” của vỉa hè!
Cũng bởi vì thế, vấn đề được đặt ra là quy hoạch và khai thác nguồn lợi từ cái không gian ấy như thế nào?
Lại nói về nguồn lợi từ cái vỉa hè, chỉ tính riêng mỗi chuyện lát đi, lát lại cái vỉa hè thôi cũng thấy rõ, kinh tế vỉa hè là có thật và có lẽ là vô cùng lớn. Ở đó, các nguyên lý kinh tế được áp dụng khá triệt để khi kiểu làm ăn “gối vụ” khá rõ. Thí dụ là có những vị trí, khu vực được lật hè lên, lát lại bằng đá mới, cho đến tận khi xong xuôi đâu đấy, thì mới dần dần đến các khu vực khác. Cũng là lẽ thường thôi, người ta sẽ phải làm lần lượt từng chỗ. Nhưng mà có khi “gối vụ” lâu đến mức mà không ít nơi đã thay hàng loạt, hàng mấy lần, thì có những nơi khác vẫn giữ nguyên vỉa hè cũ với gạch lát, với việc tạo dáng vỉa hè từ tận khi nào. Hay có nơi được chọn để thay, có nơi không, khu vực trung tâm thì cần được chú trọng làm đẹp, dần dần ra ngoài thì thôi cũng không phải “mỹ miều” lắm?
Tất cả những cái đó, nhân dân, dư luận xã hội chẳng mấy khi nắm được. Chỉ mỗi việc ngồi nhìn những nơi lật lên lát lại rồi tiếc tiền của, mà nơi khác vẫn y nguyên thì cũng đáng lấy làm băn khoăn.
Mà hình như, ở những nơi đó, không thay mới thì vẫn thấy… bình thường!
Đấy! Cái điều rất đáng băn khoăn nữa là, nếu chất lượng vỉa hè vẫn tốt, vẫn bình thường, thì có cần lật lên lát lại nữa không? Chứ cứ vài năm lại làm cả loạt thì tốn kém quá!
Lại câu hỏi nữa: Tại sao lại cứ phải là lật lên lát lại, thay mới, mà không phải là cải tạo, sửa chữa chỗ bong tróc, hư hỏng thôi?
Vẫn biết, “sức khỏe” vỉa hè không tuyệt đối ổn định, bền vững mãi được, bởi phải gánh rất nhiều tác động, chuyển động, đất lún, nước ngấm…, nên sự bong, lún, cập kênh… là đương nhiên. Vậy cần nghiên cứu việc “săn sóc” vỉa hè thường xuyên, theo dõi, sửa sang khi có những hiện tượng như trên, hỏng đâu sửa đấy, tái sử dụng gạch, đá lát khi còn tốt. Nhưng đừng biến cái vỉa hè thành cớ làm kinh tế rồi cứ thấy lún, sụt, thấy mặt hè không bằng phẳng một chút, là lại phải tháo dỡ ra, thay cả loạt từ đá mặt cho đến đá bó vỉa hè… thế chẳng phí phạm, tốn kém lắm sao?
Những tiêu chí đánh giá về sự hiện đại và văn minh, và cả văn hóa nữa, được quyết định chính bởi sự hợp lý, tiết kiệm cho thành phố, cho người dân, chứ thay mới vỉa hè thường xuyên, gây tốn kém quá, thì xem ra cứ ngậm ngùi thế nào!
Do đó "kinh tế vỉa hè" rất cần được quan tâm và vì thế, cần có những giải pháp hữu hiệu của chính quyền đô thị các cấp để vừa đảm bảo diện tích vỉa hè, vừa không làm mất đi những hoạt động kinh tế vỉa hè sôi động mà pháp luật cho phép./.
(Theo dangcongsan.vn)