Tại sao kỳ tích Việt Nam?
(ABO) Tháng 4 hằng năm, trừ các năm nhuận, thường diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 trước, sau đó là Lễ kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4. Đây là dịp để mọi người, nhất là bạn bè thế giới suy nghĩ sâu xa về quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam hào hùng với nhiều kỳ tích.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao người Việt không bị Hán hóa dù trải qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc (từ 111 trước công nguyên đến năm 938)? Trong khi đó, trong sự biến thiên lịch sử thế giới đã có biết bao dân tộc, quốc gia, nhất là các dân tộc sống bên cạnh các dân tộc, quốc gia lớn và mạnh hơn, đã bị xâm chiếm rồi bị đồng hóa khiến cho mất nước, mất giống nòi.
Nhà nghiên cứu Trần Gia Ninh lý giải về việc này như sau: Mưu đồ đồng hóa một dân tộc sẽ khó thành công nếu dân tộc đó hội tụ đủ 3 yếu tố. Một là có sức sống sinh học và sức sống xã hội mãnh liệt; hai là có trình độ văn hóa và nền văn minh cao hơn dân tộc đi đồng hóa; ba là có tổ chức xã hội tốt, cố kết các thành viên bền chặt. Nhìn lại, thấy người Việt (Kinh) có đủ ba yếu tố này.
Khu di tích Bạch Đằng Giang, công trình thể hiện sự tri ân của hậu thế đối với các tiền nhân và các vị anh hùng dân tộc. Ảnh: Hồng Phong |
Theo các tư liệu lịch sử, quân đội Nguyên Mông vào thế kỷ thứ XIII hùng mạnh, thiện chiến, đã từng làm mưa làm gió khắp nơi, đã chiếm gần hết châu Âu và vùng Trung Cận Đông, san bằng thành trì nước Tống, đô hộ toàn bộ nước Trung Quốc xưa. Ở nước Đức thời đó đã xuất hiện bài kinh cầu nguyện: “Chúa cứu vớt chúng con khỏi cơn thịnh nộ của Tácta (Mông Cổ)”. Vậy tại sao đội quân đó 3 lần tấn công Đại Việt đều bị thất bại thảm hại?
Nhà sử học nổi tiếng Rasít út Đin thời đó viết: Một lần, Tugan (Thoát Hoan) đem quân vào nước đó (nước ta), chiếm lấy các thành thị ven biển và thống trị ở đấy trong một tuần lễ. Nhưng bỗng nhiên từ biển, từ rừng, từ núi, xuất hiện những đội quân nước đó đánh tan đạo quân của Tugan đang lo cướp bóc”.
Ở giữa thế kỷ XX, chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) bắt sống tướng Đờ Cat-xtơ ri cùng 16 ngàn quân viễn chinh Pháp, đã giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Lúc này, thế giới có nhiều người đặt câu hỏi tại sao nước Pháp hùng mạnh lại thất bại và Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng?
Chiến thắng của quân và dân ta đối với cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, tháng 12-1972, còn gọi là “Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, góp phần quyết định "đánh cho Mỹ cút” sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tạo tiền đề "đánh cho ngụy nhào” vào mùa Xuân năm 1975. Được biết là pháo đài bay B52 của Mỹ bị bắn rơi đầu tiên ở Việt Nam và bị bắn rơi như sung rụng trên bầu trời Hà Nội. Thất bại này khiến cho Mỹ bàng hoàng không muốn tin là sự thật và không lý giải được vì sao Mỹ lại thua.
Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu |
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, một trong những chiến công hiển hách nhất của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã cắm cột mốc vinh quang chói lọi trong quá trình đi lên của lịch sử nước ta, tô đậm truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
Tom Polgar, nhân viên cao cấp tòa Đại sứ Mỹ ở Việt Nam, một trong những người Mỹ cuối cùng di tản, đã ghi lại nhận xét của mình ngày hôm ấy (30-4-1975): "Đó là một cuộc chiến tranh (chiến tranh Việt Nam) lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã thua. Thất bại độc nhất của lịch sử Hoa Kỳ chắc sẽ không báo trước sức mạnh bá chủ toàn cầu của nước Mỹ đã chấm dứt. Nhưng... Ai không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải lặp lại sai lầm trong lịch sử". Từ đó và đến tận sau này, nhiều câu hỏi cũng cũng đã được đặt ra và lý giải là tại sao Việt Nam lại thắng Mỹ hay tại sao Mỹ lại đại bại bởi Việt Nam?
Còn nhiều lần thế giới ngạc nhiên nữa như những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Đó là “một chấn động chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX” theo cách nói của Tổng thống Nga V.Putin năm 2005. Thế mà qua hơn 30 năm đổi mới, nhờ kiên định mục tiêu, lý tưởng, vai trò lãnh đạo của Đảng nên cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Và hiện nay, hàng loạt mỹ từ, tít bài báo ấn tượng bày tỏ sự ngưỡng mộ, thậm chí là thán phục như: “Covid-19: Ngoại lệ Việt Nam”, “Việt Nam - Điều thần kỳ mới của châu Á?"… tràn ngập trên các phương tiện truyền thông và dư luận thế giới trong suốt năm qua là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội; tăng trưởng kinh tế và đóng góp vào các hoạt động quốc tế của Việt Nam. Từ thán phục thế giới muốn đi sâu tìm hiểu tại sao Việt Nam lại kiểm soát tốt đại dịch Covid-19?
Với sự thành công rực rỡ của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa qua, đưa đến niềm tin to lớn là đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đến đó, thế giới lại hỏi tại sao kỳ tích Việt Nam?