Chủ Nhật, 09/05/2021, 11:45 (GMT+7)
.

Chiếc lò xo lại nén

(ABO) Thông tin nhiều tỉnh, thành trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là bước tiến đáng lo hơn trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.

Giãn cách xã hội là giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong giai đoạn chủ động tấn công dịch Covid-19 như hiện nay nhưng cũng sẽ tác động rất lớn đến nhiều phương diện khác, trong đó có lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là điều hiển nhiên.

Cũng như các lần bùng phát dịch Covid-19 trước đây, chiếc “lò xo” chắc chắn tiếp tục bị nén lại để chờ cơ hội cho những ngày bình thường mới khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Vậy là, đây là lần thứ 4 chiếc “lò xo” kinh tế chịu áp lực lớn, với sức ép nặng nề nhưng nó chắc chắn sẽ tạo ra sức bật mạnh mẽ hơn khi những ngày bình thường mới chính thức bắt đầu.

Chủ động tấn công dịch bệnh đang được đặt lên hàng đầu.
Chủ động tấn công dịch bệnh đang được đặt lên hàng đầu.

Nhìn vào góc độ sản xuất, kinh doanh, bức tranh kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới có dấu hiệu phục hồi thì nay đang đứng trước thách thức mới. Theo Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, quý I-2021, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 3.326 doanh nghiệp gia nhập thị trường, trong đó có 2.462 doanh nghiệp thành lập mới và 864 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Trong khi đó, toàn vùng cũng có 2.097 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (gồm 1.541 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 556 doanh nghiệp đã giải thể). Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tác động nhất khi dịch Covid-19 bùng phát nên khả năng doanh nghiệp rút khỏi thị trường sẽ còn nhiều diễn biến khó lường hơn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, các giải pháp mạnh tay để chủ động tấn công đã được các tỉnh, thành đưa ra. Cùng với cả nước, kể từ ngày 9-5, Tiền Giang cũng thực hiện tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, như: Câu lạc bộ bida, karaoke, quán bar, vũ trường, điểm massage, các tụ điểm hát với nhau, rạp chiếu phim, rạp hát, câu lạc bộ khiêu vũ, phòng tập gym, các điểm truy cập Internet và trò chơi điện tử.

Đồng thời, Tiền Giang cũng thực hiện giãn cách và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 (nhất là đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn) tại các điểm kinh doanh thức ăn, nước uống, cơ sở lưu trú, khách sạn trên địa bàn tỉnh cho đến khi có thông báo mới.

Đây cũng là giải pháp cần thiết được đưa ra trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã có ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận từ cộng đồng. Và như vậy, cùng với cả nước, chiếc “lò xo” kinh tế của Tiền Giang cũng một lần nữa chịu nén lại do tác động của dịch Covid-19.

Thế nhưng, kinh nghiệm của 3 đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, với tinh thần chung là vừa khống chế dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế đã mang lại những hiệu ứng tích cực.

Nhìn ở phạm vi hẹp, trong bộn bề khó khăn, thách thức nhưng khi khép lại chặng đường của năm 2020 Tiền Giang tiếp tục chạm đến những dấu mốc mới, với nhiều chỉ tiêu đạt được rất quan trọng như GRDP bình quân đầu người đạt 57,4 triệu đồng (kế hoạch 55,3 triệu đồng), tăng 2,1 triệu đồng so năm 2019; khoảng 750 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12% so thực hiện năm 2019; thu hút được 37 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 17.779 tỷ đồng…

Trong giai đoạn hiện nay, để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Tiền Giang chắc chắn sẽ chủ động thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu. Chiếc “lò xo” kinh tế của Tiền Giang cũng được chờ đợi sẽ được bật lại mạnh mẽ hơn.

T.T

.
.
.