Chủ Nhật, 02/05/2021, 15:32 (GMT+7)
.

Không thể xuyên tạc giá trị của độc lập, tự do

Tuần qua, báo chí, dư luận xã hội tiếp tục có nhiều bài viết vạch trần thông tin sai trái, bịa đặt, phủ nhận ý nghĩa của Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4); Mưu đồ đằng sau việc phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam; luận điệu xuyên tạc Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước…. Đây cũng là nội dung chính của Bản tin 35 Online tuần này.

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc về giá trị của Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Khi cả dân tộc Việt Nam hân hoan chào mừng kỷ niệm ngày thống nhất non sông thì những kẻ có tư tưởng thù địch lại giở luận điệu lèo lái dư luận, bóp méo lịch sử nhằm kích động thù hận, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; một số người còn kêu gọi: “Việt Nam không nên kỷ niệm 30-4 nếu muốn hòa hợp dân tộc”(!).

a
Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975. (Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân)

Bác bỏ những luận điệu này, trang facebook Hương Sen Việt bình luận: Tất cả những lời lẽ phản động và rất bông phèng đó chẳng có nghĩa gì trước một chân lý mà mỗi người Việt Nam yêu nước đều nằm lòng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Điều đó không chỉ được minh chứng bằng lịch sử chung tay dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc mà còn là ý chí quyết tâm từ Bắc vào Nam xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, hùng cường. Với dân tộc Việt Nam, kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30-4 là dịp ôn lại lịch sử truyền thống hào hùng của toàn dân tộc, thêm thấm nhuần giá trị của thống nhất, hòa bình, từ đó phát huy tinh thần đại đoàn kết để nỗ lực phấn đấu, tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chứ không phải là dịp để kích động hận thù, chia rẽ đoàn kết.  

Trên trang canhco.net, tác giả Bảo An viết: Những luận điệu nêu trên chỉ là cái cớ để níu kéo những ảo tưởng chính trị liên quan đến chế độ cũ tại miền Nam Việt Nam. Họ cố tình không chịu nhìn thẳng, nhìn thật vào những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Trải qua 46 năm thống nhất đất nước, đặc biệt là sau 35 năm thực hiện đổi mới, Việt Nam đã “thay da, đổi thịt”. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Với mẫu số chung là tinh thần yêu nước, lợi ích quốc gia, dân tộc, Việt Nam đã nhất quán thực hiện chủ trương phát huy, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc một cách thực chất.

Trang codotphcm.com viết: Không thể xuyên tạc khát vọng và quyết tâm của cả dân tộc về một nước Việt Nam thống nhất. Mọi người Việt Nam yêu nước chân chính đều hiểu đúng giá trị của độc lập, tự do và hạnh phúc vì được sống trong một đất nước hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất. Chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975 đã tạo cơ sở cho cả dân tộc Việt Nam có thêm bản lĩnh, niềm tin để vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới để xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.  

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ trên trang facebook cá nhân: Chiến thắng 30-4-1975 là chiến thắng của lòng yêu nước, của khát vọng hòa bình, thống nhất, của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân phát huy và nâng lên đỉnh cao trong thời đại mới, xây dựng, củng cố nên khối đại đoàn kết toàn dân - kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại - đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng cách mạng, tiến bộ trên thế giới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”....

Vạch trần âm mưu phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam

Bác bỏ luận điệu một số cá nhân, tổ chức bất hợp pháp kêu gọi thành lập cái gọi là “nghiệp đoàn độc lập”, “công đoàn độc lập”, Báo Quân đội nhân dân trong loạt bài “Mưu đồ đằng sau việc phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam” đã chỉ rõ, ý đồ của chúng là nhằm phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam, đặt các nghiệp đoàn độc lập này nằm ngoài khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chống lại cách mạng Việt Nam.

a
Các tổ chức công đoàn luôn quan tâm đời sống công nhân lao động. Ảnh minh họa: TTXVN.

Theo tác giả, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam tại Điều 4 đã quy định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo công đoàn, nhưng không làm thay hay can thiệp công đoàn mà luôn tôn trọng công đoàn, tạo điều kiện để công đoàn hoàn thành sứ mệnh. Độc lập với Nhà nước nhưng Công đoàn Việt Nam phải chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, phối hợp với Nhà nước để chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động với tư cách là một bên trong quan hệ lao động ba bên (Nhà nước, giới sử dụng lao động, đại diện người lao động). Chính phủ cũng không làm thay hay can thiệp công đoàn, mà chỉ phối hợp để chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động tốt hơn.

Cùng chủ đề này, Báo Công an nhân dân số ra ngày 26-4 có bài: Khoác áo “Công đoàn độc lập” để mưu đồ chống phá. Theo bài viết, với việc thành lập không chính danh, không thực hiện theo quy định pháp luật, cái gọi là “Công đoàn độc lập Việt Nam” là một tổ chức bất hợp pháp. Thực chất, đó là cái cớ mà các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối muốn lập ra nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.  

Không thể xuyên tạc nền tảng tư tưởng, đường lối đối ngoại và chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam

* Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 tại một số quốc gia và nguy cơ bùng phát trong nước, Thường trực Ban Bí thư (ngày 27-4), Thủ tướng Chính phủ (ngày 23-4) đã ban hành công điện về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.

a
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đi kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 tại Kiên Giang. Ảnh: qdnd.vn

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra vào sáng 26-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và từng người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức, trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.

Đây là những chỉ thị hết sức kịp thời, thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân; đập tan luận điệu vu khống, xuyên tạc về nỗ lực phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam.

* Ngày 29-4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước thông tin Hải cảnh Trung Quốc tuyên bố bảo đảm thực thi lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 1-5-2021 trên vùng biển có phạm vi bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ:

“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Việt Nam cho rằng, việc tiến hành các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định có liên quan của UNCLOS 1982 và không được làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan.

Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”.

a
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN

Thông điệp đó một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề Biển Đông, bác bỏ những thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội.

* “Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Luật tín ngưỡng tôn giáo”. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, Vũ Chiến Thắng tại buổi gặp mặt người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam, được Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức sáng nay 27-4, tại Hà Nội.

a
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN


Tại cuộc gặp, các chức sắc, đại diện điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài tại Việt Nam cũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, cũng như các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam của các hội nhóm.

Sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian qua đã làm phong phú thêm sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam- là một minh chứng rõ ràng Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo.

* Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, Tạp chí Tuyên giáo trong bài “Phòng và chống sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh”, khẳng định Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả lịch sử và lôgíc từ sự kết hợp tự nhiên truyền thống yêu nước với Chủ nghĩa Mác - Lênin; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam và cả các nước thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh không chỉ trung thành với những nguyên lý của học thuyết cách mạng, khoa học và hiện đại này; không giáo điều mà chính là nắm lấy tinh thần, bản chất khoa học, cách mạng của nó để bổ sung, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới bằng thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

* Sáng 26-4, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần quân đội (MB) tổ chức gặp mặt báo chí giới thiệu và phát động Cuộc thi báo chí “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”.  

Theo đó, Cuộc thi sẽ được tổ chức thường niên, tập trung vào các vấn đề: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo sự đồng thuận và xây dựng lòng tin của nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Bảo vệ những thành quả cách mạng, nền văn hóa và những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Bảo vệ sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; bảo vệ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Xử lý nghiêm đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước

* Ngày 22-4, Tòa án nhân dân quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) xét xử sơ thẩm và đã tuyên phạt Lê Thị Bình (sinh năm 1976; trú tại phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) 2 năm tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" được quy định tại Điều 331 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

a
Lê Thị Bình tại cơ quan công an. Ảnh: TTXVN

Theo cáo trạng, từ tháng 10-2019 đến tháng 11-2020, Bình thường xuyên sử dụng các tài khoản Facebook để phát livestream, đăng tải và chia sẻ các bài viết có nội dung nói xấu, xúc phạm, xuyên tạc, phỉ báng đối với tổ chức Đảng, Nhà nước và cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đây là hành vi vi phạm pháp luật; xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự, trị an tại địa phương.

* Ngày 23-4, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai và tuyên phạt Trần Thị Tuyết Diệu (SN 1988, thường trú tại xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) 8 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Cáo trạng nêu rõ: từ tháng 9-2019 đến tháng 4-2020, Trần Thị Tuyết Diệu có hành vi sử dụng máy tính xách tay, điện thoại di động và các thiết bị quay phim để làm, tàng trữ, tán phát trên mạng xã hội 25 bài viết và 9 video có nội dung chống phá Nhà nước.  

a
Bị cáo Trần Thị Tuyết Diệu tại phiên xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên. Ảnh: TTXVN

* Bác bỏ những luận điệu lừa mị, dối trá nhằm tô vẽ, tẩy trắng cho sai phạm của mẹ con Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư – hai đối tượng sắp bị xét xử vì tội chống Nhà nước, trang canhco.net chỉ rõ: Những hành vi mà mẹ con Cấn Thị Thêu thực hiện trong những năm vừa qua cho thấy đây là gia đình cơ hội núp bóng đấu tranh vì “dân chủ”, “bảo vệ đất đai” vô cùng nguy hiểm. Quá trình điều tra, khám xét nhà của Cấn Thị Thêu, Cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu viết tay có nội dung liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước. Cấn Thị Thêu và con trai không phải là “nạn nhân của chế độ” mà thực tế họ là những kẻ chống phá chế độ, đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng.

(Theo QĐND Online)

.
.
.