Thứ Bảy, 15/05/2021, 17:32 (GMT+7)
.

Thế giới của sự ân cần

(ABO) Chúng tôi cố tình đọc đi đọc lại bức thư của em Đào Anh Thư, lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, tác giả đã đoạt giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 50 (2021) tại Việt Nam, để cảm nhận được những gì em đã, đang suy nghĩ về cuộc sống hôm nay ngay trong chính những khó khăn của dịch Covid-19.

Đó cũng có thể chính là những lời tự sự về cuộc sống của chính mình và của gia đình mình. Và hơn hết đó còn là những gì ẩn sau cái gọi là khu cách ly đặc biệt - nơi dành riêng để điều trị các ca bệnh Covid-19.

Chủ nhân của bức thư đoạt giải Nhất lựa chọn ý tưởng gửi thư cho em bé gái được sinh ra khi mẹ đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để nói lên những khó khăn, vất vả của các y, bác sĩ và tự hào về sự đóng góp của họ trong công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam.

Khu vực cách ly y tế. Ảnh: NDO.
Khu vực cách ly y tế. Ảnh: NDO.

Bức thư em viết: “Bế em trên tay là một bác sĩ trong bộ bảo hộ y tế màu xanh, khẩu trang kín mít, chỉ còn hở đôi mắt ánh lên nét rạng ngời... Tiếng khóc chào đời của em đã thắp thêm niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng đại dịch cho những chiến sĩ áo trắng nơi đây... Bên trong tấm biển “khu vực cách ly đặc biệt” kia không phải là những điều đáng sợ như người ta vẫn tưởng, mà là cả một thế giới của sự ân cần chăm sóc, của những tấm lòng ấm áp yêu thương...”.

Có thể chúng ta đang nhìn nhận sau "khu cách ly đặc biệt" với nhiều suy nghĩ khác nhau. Đó có thể là nơi rất nguy hiểm, đó cũng có thể là một thế giới khác hoàn toàn tách biệt. Nhưng dưới góc nhìn của một học sinh lớp 8, đó lại là một thế giới đầy nghĩa tình. Nơi đó lần lượt các y, bác sĩ, lực lượng tuyến đầu phải từng ngày từng giờ đối diện với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm và không ngừng nỗ lực để vượt qua.

Cũng chính nơi đó, rất nhiều gia đình chấp nhận hy sinh tình cảm riêng để bước vào trận chiến chống dịch. Ở nơi đó còn có nghĩa đồng bào, tinh thần nhường cơm sẻ áo để cùng nhau vượt qua khó khăn. Ở nơi đó còn có nụ cười của người mẹ và tiếng khóc trẻ con mới được chào đời. Thế giới của sự ân cần, chăm sóc trong "khu cách ly đặc biệt" được cảm nhận qua lăng kính của học sinh lớp 8 như thế. Đó mới chính là điều chúng ta cũng cần phải suy ngẫm.

Đọc những dòng thông tin về dịch bệnh Covid-19 những ngày gần đây mới cảm thấy giật mình vì mức độ nguy hiểm và lây lan của nó. Chúng ta không thể thờ ơ và chủ quan khi số ca nhiễm bệnh ở các nước nói chung và trong nước nói riêng tăng lên từng ngày. Cả nước bước vào cuộc chiến mới khốc liệt hơn nhiều.

Điều này cũng một lần nữa nhắc nhớ rằng phía sau những dòng chữ “khu cách ly đặc biệt” đã và đang được dựng lên sẽ là cuộc sống của biết bao con người đang phải từng ngày từng giờ tìm lại cuộc sống bình an cho nhiều gia đình, và hơn hết là cho cộng đồng.

Nhưng điều này cũng không có nghĩa ai cũng thấu hiểu được hết thế giới của sự ân cần, chăm sóc trong "khu cách ly đặc biệt"; bởi đâu đó chúng ta cũng dễ dàng đọc được những dòng trạng thái, bình luận theo hướng trái chiều. Đó có thể được xem là sự vô cảm với những gì mà lực lượng tuyến đầu đang phải đối mặt từng ngày.

Điều đó chắc chắn sẽ không thể chấp nhận trong thời khắc cả nước lao về phía trước để chống dịch Covid-19. Vì thế, thế giới của sự ân cần, chăm sóc trong "khu cách ly đặc biệt" dưới góc nhìn của một học sinh lớp 8 mới hàm chứa sự đong đầy của tình yêu thương.

A.P

.
.
.