Dành thế chủ động cho nông sản
Không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã có; ngành chức năng, nông dân cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã nỗ lực để “thoát” khỏi thế bị động ấy.
Chỉ tính trong năm 2020, ngành nông nghiệp đã có 16 dự án chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản được triển khai với tổng vốn đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng. Tính chung, trong 4 năm qua đã có 67 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đi vào hoạt động.
Hiện nay, các bộ ngành liên quan cũng đang chung tay tìm đầu ra cho nông sản Việt. Minh chứng là vụ vải thiều ở 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đang vào thời điểm chín rộ đã được hai bộ này tích cực tổ chức các đợt xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu đi Nhật, Trung Quốc…
UBND tỉnh Hải Dương còn phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương đến hàng trăm điểm cầu trong nước và hàng chục điểm cầu ở các nước như Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Singapore và Trung Quốc…
Với thị trường trong nước, ngành nông nghiệp, công thương, các địa phương và ngay cả các hệ thống siêu thị lớn như Co-op Mart, Central Retail… từ nhiều năm qua cũng đã chung tay, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm trong hệ thống phân phối của mình.
Tất cả những nỗ lực trên đã và đang từng bước giúp nông sản Việt chủ động hơn trong việc tiêu thụ nông sản.
Thế nhưng, cơ bản đó mới chỉ là bán hàng. Bán được hàng là mừng chứ chưa nói nhiều đến lợi nhuận mà người nông dân thật sự thu được. Lợi nhuận thu được không tương xứng với công sức bỏ ra sẽ khiến họ kiệt quệ dần, chưa nói đến tái đầu tư để tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Để có được thế chủ động trong kinh doanh với mục tiêu cụ thể là bán được hàng với giá hợp lý, còn rất nhiều việc phải làm mà trong đó vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Vai trò của Nhà nước ở đây không phải là bao cấp mà có cơ chế chính sách và có vốn đầu tư “mồi” cho công tác bảo quản, lưu giữ, chế biến nông sản hỗ trợ cho người nông dân.
Số dự án cũng như số nhà máy chế biến nông sản mà doanh nghiệp đầu tư nêu trên hiện rất nhỏ so với nhu cầu bảo quản, chế biến nông sản của nông dân. Không phải ngẫu nhiên mà ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2030, sản phẩm nông nghiệp chế biến chiếm 30% tổng trị giá xuất khẩu - điều này có nghĩa số lượng nông sản hiện được chế biến còn rất thấp.
Chưa kể, theo nhiều chuyên gia, do thu hoạch, vận chuyển nông sản đa phần còn manh mún, thô sơ nên tỷ lệ tổn thất nông sản trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển còn khá cao. Tỷ lệ tổn thất trung bình trong nông nghiệp hiện khoảng 25%-30%, trong đó thủy hải sản chiếm khoảng 35%, rau quả và trái cây khoảng 45%. Nhiều doanh nghiệp thu mua, vận chuyển, chế biến nông sản thiếu trang thiết bị bảo quản nên chất lượng sau thu hoạch không cao.
Để giải quyết bất cập này, Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư hoặc thậm chí nếu cần, dùng ngân sách đầu tư “mồi” vào hệ thống bảo quản và chế biến nông sản. Nông dân được mùa, không được giá… có thể “gửi” với chi phí ưu đãi vào kho lạnh của Nhà nước hoặc của doanh nghiệp được Nhà nước khuyến khích đầu tư kho bãi, chờ đến khi có giá bán tốt hơn. Có được như vậy, cùng với việc nỗ lực chủ động vươn ra thị trường, thì nông sản Việt mới có điều kiện phát triển bền vững hơn.
(Theo www.sggp.org.vn)
.