Thứ Sáu, 04/06/2021, 08:16 (GMT+7)
.

Vắc xin nào cho vi rút fake news

(ABO) Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi cả nước. Từng ngày, từng giờ, các thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên báo chí, mạng xã hội luôn được người dân đặc biệt quan tâm. Với mật độ thông tin dày đặc, nhiều thông tin về dịch Covid-19 sai sự thật trên mạng xã hội đã gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Thông tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh được đăng tải trên mạng xã hội Facebook. Ảnh chụp màn hình.
Thông tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được đăng tải trên mạng xã hội Facebook. Ảnh chụp màn hình.

Những ngày qua, trên mạng xã hội liên tục đăng tải các thông tin về diễn biến của dịch Covid-19. Điều đáng nói, một số thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng, nhưng các trang mạng xã hội đã đăng tải, kéo theo đó là hàng ngàn lượt bình luận, chia sẻ, gây tâm lý hoang mang trong người dân.

Mới đây, ngày 31-5, trên mạng xã hội Facebook, một trang Fanpage đã chia sẻ thông tin về việc phát hiện một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 có tiếp xúc với cộng đồng tại TP. Mỹ Tho và khu vực lân cận.Dù thông tin chưa được kiểm chứng và xác thực từ phía cơ quan chức năng, nhưng trang Fanpage này đã vội vàng đăng tải thông tin.

Sau khi thông tin được đăng tải, trong tích tắc đã có hàng ngàn lượt bình luận và chia sẻ từ người dùng mạng xã hội với tâm lý hoang mang, lo lắng.

Trên thực tế, thông tin này hoàn toàn sai sự thật và đến nay, với sự tập trung quyết liệt trên mặt trận phòng, chống dịch, tỉnh Tiền Giang chưa xảy ra ca mắc Covid-19 nào trong cộng đồng.

Hay mới đây, trên mạng xã hội Facebook đã chia sẻ rất nhiều thông tin và hình ảnh kèm về việc 1 bé trai 3 tuổi phải đi cách ly một mình ở Trường Sĩ quan chính trị (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) do bố, mẹ và anh chị đều là F0.

Sau khi thông tin được chia sẻ, cộng đồng mạng đã dành nhiều lời khen cho bé trai, song cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc để bé trai đi cách ly một mình.

Tuy nhiên, qua xác minh, thông tin bé trai đi cách ly một mình, không ai chăm sóc là không chính xác.

Theo đó, bé trai này có chú ruột cũng là F1 đi cách ly cùng và cả 2 ở chung phòng. Đó chỉ là một số ít trong những thông tin sai sự thật xung quanh tình hình dịch Covid-19 trên mạng xã hội.

Thực tế cho thấy, với sức hút của mạng xã hội, người dân có nhu cầu tìm kiếm thông tin qua kênh này rất cao, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Mạng xã hội dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân, đặc biệt là giới trẻ. Câu chuyện tin giả trên mạng xã hội không phải là vấn đề mới, song đang có xu hướng tăng và phức tạp hơn.

Và trên thực tế, nhiều trường hợp thông tin sai sự thật đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Có trường hợp đưa thông tin sai sự thật với động cơ xấu, có trường hợp thì không cố tình mà đơn giản chỉ là sự hấp tấp, vội vàng.

Rõ ràng trước “ma trận” thông tin trên mạng xã hội hiện nay, đòi hỏi người dùng phải thật sự tỉnh táo để không dính vi rút “tin giả”. Mỗi cá nhân cần cân nhắc trước khi chia sẻ hay bình luận về thông tin trên mạng xã hội.Và các ngành chức năng cần xử lý nghiêm hơn với những cá nhân tung tin sai sự thật.

Và nguồn tin đáng tin cậy để người dùng mạng xã hội kiểm chứng thông tin chính là từ các cơ quan báo chí chính thống và cơ quan chức năng.

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 đang tiếp diễn trong sự quyết liệt, chung sức của cả hệ thống chính trị. Những hình ảnh đẹp về những người làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch đã tạo sức lan tỏa trong nhân dân về ý thức, trách nhiệm trong việc chung tay đẩy lùi đại dịch.

Tỉnh táo trước những thông tin về dịch bệnh; truyền tải những thông điệp tích cực; động viên nhau vượt qua những khó khăn, cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19 là những việc mà người dân, cộng đồng mạng cần thực hiện lúc này. Đó cũng là liều vắc xin cần thiết tạo đề kháng với vi rút "tin giả".

T. Đ

 

.
.
.