Chủ Nhật, 11/07/2021, 22:01 (GMT+7)
.

Chia sẻ và trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh

(ABO) Đã 22 giờ, nhưng điện thoại vẫn báo tin nhắn, tôi mở ra xem thì đó là tin nhắn của anh Phó Chủ tịch UBND huyện, gửi số liệu cập nhật các ca dương tính với SARS-CoV-2 và F1 trên địa bàn huyện. Anh nhắn: Dự tính là đêm nay tụi anh không ngủ, có tin báo của dân, giờ tụi anh còn đang đi đón các ca F1 về khu cách ly tập trung. Lát trở về Trung tâm Y tế huyện trực, đêm nay chờ kết quả xét nghiệm ở trên gửi về, thường là vào lúc nửa đêm, và tụi anh phải truy vết liền trong đêm, chứ để sáng thì người dân đi nhiều nơi, nếu có F0 thì F1, F2 tăng gấp bội.

Tôi tiếp tục nhận được tin nhắn từ một đồng nghiệp thông tin về trường hợp đồng chí T.V.T., Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang dương tính với SARS-CoV-2 làm cho tôi suy nghĩ nhiều. TX. Cai Lậy là địa bàn xảy ra ổ dịch Covid-19 đầu tiên của tỉnh Tiền Giang. Từ khi dịch bệnh xảy ra, với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí T.V.T. luôn tận tâm, nhiệt tình, liên tục đi tuần tra, kiểm soát bất kể ngày, đêm tại địa bàn khu cách ly, khu phong tỏa; chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch lây lan; đồng thời, đảm bảo đời sống người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa, đóng góp vào công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Nhưng giờ đây, đồng chí T.V.T. lại dương tính với SARS-CoV-2.

Lực lượng kiểm soát người và phương tiện tại chốtCòn lại Lực lượng chốt di động trên sông Tiền
Lực lượng kiểm soát người và phương tiện trên sông Tiền. Ảnh: Tuấn Lâm

Không khó để nhận ra rằng, từ khi bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, không chỉ các y, bác sĩ tuyến đầu phòng, chống dịch mà nhiều đồng chí từ lãnh đạo đến nhân viên, quân nhân, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên đã làm việc bất kể ngày, đêm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người dân. Mỗi người tùy vào vị trí công việc, vai trò của mình ở từng cấp mà ra sức lo cho dân trước dịch bệnh.

Vậy mà, tôi quan sát trên các trang mạng xã hội vẫn có không ít người dân, thậm chí là những trí thức đã có những phát ngôn thiếu cảm thông, không mang tính xây dựng và chưa chuẩn mực. Điển hình như vừa qua, để kiểm soát người từ vùng dịch đến Tiền Giang nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Công văn 3421 về việc kiểm soát người từ địa phương khác đến tỉnh Tiền Giang để phòng Covid-19 dẫn đến một số bất cập cho người tham gia giao thông, gây ùn tắc cục bộ thì liền lập tức có nhiều tài khoản Facebook đăng tải những trạng thái bình luận với ngôn từ rất phản cảm mà tôi không tiện nêu ra.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây chúng ta đều biết dịch bệnh với những diễn biến khó lường, nhất là khi xuất hiện các biến chủng mới gây nguy hiểm, lây lan nhanh nên việc ban hành văn bản để ngăn chặn dịch là điều cấp thiết, nếu quá trình thực hiện bất cập thì tiếp tục chỉnh sửa.

Và thực tế, khi thấy bất cập, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn 3536 về hướng dẫn thực hiện xét nghiệm Covid-19 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa vào địa bàn tỉnh Tiền Giang. Công văn này đã khắc phục những hạn chế của công văn trước đó và giúp "cánh tài xế" điều khiển phương tiện cùng người bốc dỡ hàng hóa đi theo xe qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được nhanh chóng hơn.

Lực lượng kiểm soát người và phương tiện tại chốt Tân Hương, chốt Thân Cửu Nghĩa (cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương)
Lực lượng kiểm soát người và phương tiện tại chốt kiểm soát dịch bệnh trên đại bàn tỉnh Tiền Giang. Ảnh Tuấn Lâm

Tôi còn nhớ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong nhiều lần chỉ đạo tại các hội nghị với các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đều yêu cầu: "Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là trong điều kiện phòng, chống dịch chưa có tiền lệ “chính sách ban hành hôm nay nhưng có thể lạc hậu với thực tiễn ngày mai”. Các bộ, ngành cần tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách rất cụ thể về từng điều khoản, từng nội dung “không nói là đã có đủ các quy định”. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì luật hóa, đưa vào quy định; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm...”.

Điều này có thể hiểu Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích lãnh đạo địa phương mạnh dạn ban hành các chủ trương, văn bản đáp ứng yêu cầu cấp bách thực tiễn nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch ở địa phương và nếu văn bản ấy chưa phù hợp thì có thể điều chỉnh sao cho phù hợp. Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên.

Việc đăng tải những dòng trạng thái hay bình luận bức xúc, thậm chí dùng những lời chỉ trích rất khó nghe đối với lãnh đạo trong bối cảnh đang căng mình chống dịch, tôi cho rằng không khách quan, không mang tính xây dựng và thiếu chuẩn mực. Việc chống dịch hiện nay là vấn đề cấp bách như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Tính mạng con người là quan trọng nhất và tùy tình hình thực tế ở địa phương mà ưu tiên phát triển kinh tế trước hay chống dịch bệnh trước hoặc có thể thực hiện hài hòa giữa 2 mục tiêu này”.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ không ngại khó, ngại khổ chung tay cùng chính quyền đẩy lùi dịchbeenhj
Nhiều cán bộ, chiến sĩ trực suốt đêm tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, chung tay cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh CTV

Không những vậy, thấu hiểu được nỗi khổ của nhân dân, nhất là những người nghèo, yếu thế trong xã hội chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 68 về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho 12 nhóm đối tượng. Cuộc chiến với Covid-19 còn nhiều khó khăn phía trước, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì rất cần sự đồng lòng chung tay của cộng đồng xã hội với tinh thần "chống dịch như chống giặc" để đẩy lùi dịch bệnh.

Chính vì vậy ngay lúc này, mỗi người chúng ta cần trang bị kiến thức về các biến chủng mới của dịch bệnh Covid-19 để hiểu mức độ nguy hiểm, khả năng lây lan và thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi rút tấn công, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Có như vậy, mới sớm dập được dịch, đẩy lùi dịch bệnh để có cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

GIA TUỆ

 

 

 

.
.
Liên kết hữu ích
.