Thứ Năm, 15/07/2021, 10:25 (GMT+7)
.

Khi công ty, nhà máy phải tạm dừng hoạt động.

(ABO) Từ ngày 13-7  đến 17-7 các công ty, xí nghiệp không đảm bảo đủ điều kiện “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) cùng các giải pháp phòng, chống dịch theo qui định sẽ tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Đó là quyết định của các địa phương: Long An, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp trước tình hình dịch COVID 19 đang diễn biến phức tạp, số ca dương tính tăng từng ngày.

Đây được xem là một quyết định không dễ dàng sau nhiều cân nhấc của lãnh đạo các địa phương, bởi thực tế không nhiều doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”, nhất là với các doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn. Nên số công ty phải ngừng việc là không nhỏ, kéo theo nhiều vấn đề về an sinh xã hội, cùng biết bao lo toan sau khi dừng sản xuất: đơn hàng, hợp đồng, đời sống công nhân, nợ vay….

a
Toàn bộ CNLĐ tại Công ty TNHH Freview thuộc Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành- Tiền Giang) đã được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19.

Nhưng đây là giải pháp buộc phải thực hiện trước thực tế diễn biến của dịch bệnh. Từ khi dịch COVID19 bùng phát đầu năm 2020, với sự lãnh chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ; Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2020 được cả thế giới đánh giá cao.

Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 này, với biến chủng mới, lây lan nhanh, thì tình dịch bệnh ngày một phức tạp. TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, giao thương lớn của khu vực phía Nam dịch bệnh đang bùng phát mạnh kéo theo nhiều tỉnh, thành trong khu vực và cả nước bị ảnh hưởng.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng chỉ đạo, chúng ta kiên trì thực hiện mục tiêu kép, nhưng tùy tình hình thực tế mà mỗi địa phương ưu tiên cho mục tiêu nào. Và lúc này thì sức khỏe, sự an toàn cho người dân là trên hết. Vì thế việc phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để sớm ổn định tình hình, đưa cuộc sống bình thường quay trở lại là việc làm cần thiết.

Thực tế cho thấy, công tác chống dịch COVID 19 ở Việt Nam chưa có tiền lệ, nên các giải pháp đều xuất phát từ thực tiễn. Chính quyền luôn lắng nghe dư luận, bám sát diễn biến tình hình để hoàn thiện và bổ sung các giải pháp, kêu gọi cộng đồng xã hội cùng chung sức để sớm kiểm soát dịch bệnh. Những ngày sắp tới chắc sẽ nhiều khó khăn, chúng ta phải quyết liệt hơn nữa, khẩn trương triển khai nhiều công việc, tận dụng từng phút giây của “thời gian vàng” còn lại trong những ngày giãn cách để khống chế sự lây lan của dịch.

Vì thế rất cần sự chia sẻ của người dân về những khó khăn, bất tiện trong sinh kế, sinh hoạt; và rất cần sự đồng lòng của các doanh nghiệp, chung tay với chính quyền sớm kiểm soát, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh. Và thực tế, nhiều doanh nghiệp đã sắp xếp lại để tiếp tục sản xuất an toàn, một số đã đồng ý dừng sản xuất vì sức khỏe của người dân, vì cộng đồng.

Cả nước đang hướng về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; dành tất cả những gì tốt nhất cả về vật chất, nhân lực cho thành phố và các tỉnh với quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh. Trên tinh thần đó, với sự đồng lòng, sẻ chia hỗ trợ lẫn nhau cả về tinh thần và vật chất của mọi người dân và cộng đồng doanh nghiệp; cùng các chính sách an sinh xã hội mà Chính phủ đang triển khai, cộng với chiến dịch vắc xin đã được Chính phủ sớm khởi động, hy vọng đến cuối năm 2021 chúng ta sẽ kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường .

D.S

 

.
.
.