"An sinh tinh thần" để bình tĩnh sống trong mùa dịch
(ABO) Sự lạc quan, niềm hy vọng là liều thuốc "an thần" quan trọng giúp cho người dân bình tĩnh sống, sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại xã Trung An (TP. Mỹ Tho - Tiền Giang). Ảnh: T.L |
Dịch Covid-19 khốc liệt càn quét qua nhiều quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam nhiều tỉnh, thành phía Nam đã thực hiện giãn cách một thời gian khá dài để ứng phó với đại dịch. Cuộc sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì thế, các chính sách về an sinh xã hội đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm duy trì sản xuất, ổn định cuộc sống và không để người dân nào bị đứt bữa, thiếu ăn.
Trong các “gói” an sinh xã hội đó có cả mặt “an sinh tinh thần”, một yếu tố khá quan trọng của công tác phòng, chống dịch. Bởi trong mọi cuộc chiến, đặc biệt là với những cuộc chiến không cân sức, yếu tố tinh thần luôn là liều thuốc đặc trị giúp chúng ta vượt khó tiến lên giành chiến thắng.
Trong cuộc chiến với giặc vô hình Covid-19 cũng thế. Tinh thần ấy là sự cổ vũ, khích lệ của nhân dân, là niềm tin chiến thắng dịch bệnh. Vì thế, bên cạnh các "gói" an sinh về vật chất, rất cần việc động viên sức mạnh tinh thần, củng cố niềm tin, giải quyết các vấn đề tâm lý của người dân, của đội ngũ y tế và các lực lượng tuyến đầu, với mục tiêu đảm bảo “an sinh tinh thần” trong và sau đại dịch.
Ngoài ra, cũng cần tính đến và hạn chế đến mức thấp nhất các “tổn thương tinh thần” do ảnh hưởng, di chứng của dịch bệnh và do giãn cách quá dài. Đây cũng là một phần trong kế hoạch truyền thông chống dịch Covid-19 mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban Truyền thông (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) vừa ký ban hành với thông điệp: "Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài". Kế hoạch này được xem là một bước mới cho công tác truyền thông về dịch bệnh thích ứng với diễn biến thực tế của tình hình.
Các đoàn thể huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vận động, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bệnh viện dã chiến, người dân tại các khu cách ly, phong tỏa, các hộ nghèo khó khăn trên địa bàn huyện. |
Qua đó cho người dân, doanh nghiệp ở các địa phương đang thực hiện giãn cách hiểu và xây dựng “kịch bản” sống, lao động sản xuất, kinh doanh song song với kế hoạch chống dịch lâu dài. Trong đó, tập trung vào thông điệp: “Không thể trông chờ một kết quả là loại bỏ hoàn toàn được virus ra khỏi cộng đồng rồi mới cho cuộc sống trở lại bình thường”; làm rõ quan điểm: “chống dịch thành công là bảo vệ được mạng sống của nhân dân và bảo vệ được hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, đi lại, bảo vệ nền kinh tế”.
Theo đó, Tiểu ban Truyền thông sẽ ban hành kế hoạch theo từng tuần, phù hợp với kịch bản, kế hoạch chống dịch của các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội. Kế hoạch này có thể điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với diễn biến chống dịch ở địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kế hoạch truyền thông này, các cơ quan báo chí với sự định hướng của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành xây dựng kịch bản tuyên truyền nhằm truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả; đồng thời, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch Covid-19; phát huy hiệu quả các công cụ công nghệ thông tin để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Các bạn trẻ của Huyện đoàn Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) tổ chức "Bếp ăn nghĩa tình" cho người dân trong khu cách ly, phong tỏa. |
Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu lãnh đạo các cấp tăng cường đối thoại trực tiếp với dân thông qua các phương tiện, hạ tầng truyền thông tương tác (phát thanh, truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội) để lắng nghe ý kiến nhân dân, giải quyết các nhu cầu bức thiết về an sinh xã hội, về điều trị bệnh và tham khảo ý kiến người dân trước khi ban hành ý kiến có ảnh hưởng đến sức khỏe và an sinh của người dân.
Tất cả hướng tới việc lan tỏa thông điệp "Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài", liệu thuốc đặc trị hỗ trợ “an sinh tinh thần”, giúp nhân dân duy trì sự lạc quan, giữ vững niềm tin, niềm hy vọng để sống bình tĩnh và đối phó lâu dài với dịch bệnh.
D.S