Phát huy hào khí Nam bộ kháng chiến, quyết tâm chiến thắng "giặc dữ" Covid-19
(ABO) Mùa Thu rồi ngày 23 ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/Rền khắp trời, lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền.
Đó là lời trong ca khúc “Nam bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn cách đây 76 năm đã thôi thúc quân dân Nam bộ nói chung và tỉnh Mỹ Tho - Gò Công nói riêng (nay là tỉnh Tiền Giang) tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai để bảo vệ nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc vừa mới giành được sau hơn 80 năm dài chìm đắm trong vòng nô lệ. Những chàng trai, cô gái mùa Thu năm ấy quyết tâm ra đi cứu nước với ý chí sắt son “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!”.
Vệ quốc đoàn trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến. Ảnh: Tư liệu. |
76 năm đã đi qua, nhưng những năm tháng hào hùng ngày ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí của biết bao người. Lịch sử Nam bộ kháng chiến đã ghi những trang oanh liệt nhất, đánh dấu thêm một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Cùng cả nước, nhân dân miền Nam vui mừng chào đón ngày khai sinh ra quốc gia độc lập: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945). Thế nhưng, cùng với thời điểm đó tiếng súng khiêu khích của quân thù đã vang lên chát chúa ngay tại Sài Gòn. Nhân dân miền Nam với quyết tâm “không chịu làm nô lệ” đã nhất tề vùng lên đối mặt với kẻ thù vào đêm 23-9-1945 ngay giữa Sài Gòn, sau đó lan rộng ra các tỉnh Nam bộ.
Phát huy hào khí Nam bộ kháng chiến, liền sau đó quân và dân Tiền Giang đã kiên cường bất khuất làm nên những chiến công vang dội như Chiến thắng Cổ Cò (22-1-1947), Chiến thắng Long Thạnh (18-2-1947 âm lịch), Chiến thắng Giồng Dứa (25-4-1947),… cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp đánh dấu bằng Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Tiếp tục, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Tiền Giang đã làm nên những chiến công oanh liệt như Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963), Chiến thắng Ba Rài (15-9-1967), Cuộc tổng tiến công và nổi dây Xuân Mậu Thân 1968, Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng (11-3-1975) và liền sau đó là Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975.
Lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 diện rộng ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành. Ảnh: Hạnh Nga. |
Kỷ niệm 76 năm Nam bộ kháng chiến năm nay trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang quyết tâm dồn sức chiến thắng “giặc dữ” Covid-19 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Phấn đấu đến 30-9-2021: Giảm số ca mắc mới/ngày dưới 80 ca/ngày. Giảm tỷ lệ tử vong/số mắc từ 2,4% xuống dưới 1,8% trong tuần. Giảm còn 1 huyện nguy cơ (TP. Mỹ Tho hoặc Châu Thành) và 10 huyện bình thường mới. Giảm không có xã nguy cơ rất cao và xã nguy cơ cao, 11 xã nguy cơ và 161 xã bình thường mới. Tỷ lệ tiêm vắc xin dự kiến đạt 37,2% trên dân số từ 18 tuổi trở lên thực hiện đạt tất cả các tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.
Phấn đấu đến 15-10-2021: Giảm số ca mắc mới/ngày dưới 50 ca mắc mới/ngày. Tất cả 11/11 huyện, thành, thị bình thường mới; hoặc còn tối thiểu 1 huyện nguy cơ và 10 huyện bình thường mới. Ít hơn 10 xã nguy cơ, còn lại là xã bình thường mới. Tỷ lệ tiêm vắc xin dự kiến đạt từ 50% trở lên theo tuổi quy định. Tiếp tục thực hiện tất cả các tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.
Muốn thực hiện đạt các mục tiêu trên, tỉnh đang huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, với các giải pháp cơ bản như: Tập trung kiểm soát dịch tại các huyện đang ở mức nguy cơ cao, quản lý chặt địa bàn và đối tượng nguy cơ, đẩy mạnh công tác tiêm chủng…
Kỷ niệm 76 năm Ngày Nam bộ kháng chiến, khí thế hào hùng Nam bộ kháng chiến vẫn luôn vang mãi trong lòng mỗi chúng ta, luôn là niềm tự hào, là nguồn động viên nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Mỗi người trong chúng ta càng thấy trách nhiệm to lớn của mình mà ra sức làm việc và cống hiến, rèn luyện bản thân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để sống xứng đáng với truyền thống tốt đẹp và thành quả to lớn của cha ông để lại, ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, để nền độc lập của dân tộc, chế độ xã hội chủ nghĩa, đất nước và con người Việt Nam vẫn mãi trường tồn và đi đến “đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ kính yêu hằng mong mỏi.
Cha ông ta trước kia đã không tiếc máu xương để bảo vệ để bảo vệ nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc, thì ngày nay là con cháu chúng ta cũng không tiếc mồ hôi, công sức để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn thâm độc, quỷ quyệt các thế lực thù địch muốn xóa bỏ thành quả cách mạng mà nhân dân ta đấu tranh gian khổ dưới sự lãnh đạo của Đảng mới có được.
M.T