"Lá chắn an toàn" cho ĐBSCL
Sau hiện tượng “đêm 30” - người lao động ồ ạt từ TPHCM tự phát về quê, sáng sớm 1-10, lãnh đạo UBND TPHCM cùng các sở ngành đã có mặt tại hiện trường, họp bàn để nhanh chóng đưa ra các giải pháp. Ngay buổi sáng cùng ngày, ở các điểm chốt, người dân sau khi được trả kết quả xét nghiệm âm tính, xác nhận F0 khỏi bệnh…, đã được đón về bằng xe buýt, xe du lịch.
Người dân chở theo con nhỏ, hành lý... đi xe máy từ tỉnh Bình Dương qua TPHCM để về các tỉnh miền Tây. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Riêng dòng người chạy xe máy, được xe đặc chủng của các địa phương bố trí dẫn đường nhằm đảm bảo an toàn cả về giao thông lẫn phòng chống dịch bệnh.
Rõ ràng, một mặt chúng ta không thể khước từ mong muốn “được về nhà” của người dân; mặt khác, đặt trong quan điểm mang tính tất yếu “sống chung với virus”, rất cần một tầm nhìn trong tính toán, quyết đoán trong thực thi cả về mặt xã hội - kinh tế lẫn dịch tễ - y tế cho một khu vực mang tính cộng sinh sâu rộng: TPHCM - các tỉnh lân cận - khu vực ĐBSCL.
Không phải ngẫu nhiên khi từ tháng 8, TPHCM đã “âm thầm” cho mượn - chia sẻ trên 2,5 triệu liều vaccine tiếp ứng các tỉnh, trong đó ưu tiên các địa phương lân cận. Dù gói ghém số lượng trong khả năng có được bởi hơn ai hết, thành phố luôn đặt mình trong nội vùng và tính liên kết sống còn, về kinh tế - văn hóa và bây giờ là y tế - dịch tễ.
Một thực tế cần được nhìn thẳng: Khi công cụ kiểm soát tình trạng, con số biến động dân cư nói chung chưa được chặt chẽ, sát thực cộng với mưu cầu dân sinh thì từ những cuộc “đi - về” tự do như lâu nay cho đến hiện tượng di chuyển tự phát trong những ngày qua, sẽ không ai đảm bảo chắc chắn rằng sẽ thôi không còn nữa. Đằng sau những chốt trạm được thiết lập, có lực lượng chức năng kiểm soát thì vẫn tồn tại nhiều “đường mòn, lối mở” giữa vùng giáp ranh các tỉnh thành.
Đặt trong môi trường sống có virus dịch bệnh, đó là một mối rủi ro, hiểm họa rất gần, rất lớn. Di chuyển tự do, một khi chưa đảm bảo các chỉ số của “lá chắn an toàn” về mặt dịch tễ, sẽ là nguy cơ cao dẫn tới hậu quả khó lường: điều kiện phát tán, lây nhiễm virus ở diện rộng; nếu không ứng phó kịp sẽ chuyển thành bệnh nặng; điều kiện, dịch vụ y tế từ chăm sóc đến điều trị không đáp ứng nổi sẽ phải đối diện bùng phát ca tử vong.
Thử rà soát lại 12 tỉnh thành ở ĐBSCL (trừ Long An) về khả năng “đánh chặn” lây nhiễm ra cộng đồng cũng như đáp ứng các chỉ số “lá chắn an toàn”: dự báo số ca mắc mới trong cộng đồng trong ngày/trên tuần; tỷ lệ tiêm đủ vaccine cho người dân trên 18 tuổi cho đến năng lực chuẩn bị thiết lập cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tương thích với diễn biến dịch bệnh của Bộ Y tế; có bao nhiêu trạm y tế xã, phường có đủ oxy y tế và khả năng phủ sóng trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng của hệ thống cơ sở các tỉnh thành…
Một con số trực quan hơn vừa đưa ra: tính đến ngày 28-9, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 ở 12 tỉnh thành ĐBSCL (trừ Long An) đạt 15% - 35% trên tổng dân số từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm mũi 2 chỉ mới 4% - 8%, quá thấp so với mức cần có để đáp ứng miễn dịch an toàn của cá thể đến nhóm cộng đồng. Chưa tính, độ phủ vaccine ở người có bệnh nền, người cao tuổi một khi còn thấp thì rủi ro càng lớn.
Sức ép phục hồi kinh tế dẫn tới những tính toán để mở cửa “sống chung” là có thật, không chỉ riêng TPHCM mà với cả các tỉnh thành ĐBSCL. Nhưng mở cửa, phục hồi phải trên nền tảng của những lá chắn về mặt dịch tễ, y tế cộng đồng; không thể đặt cược trên những dự báo, cảnh báo đầy rủi ro đã thấy trước.
Giải pháp để giãn dần sức ép cho cả vùng khu vực chính là sự phối hợp thống nhất, liên kết của tất cả các địa phương, trong đó TPHCM và Hà Nội đóng vai trò hỗ trợ - chuyển giao nguồn nhân lực, vật lực cùng “lá chắn” chuyên môn của Bộ Y tế, điều hành tổng thể xã hội của Chính phủ nhằm sớm cung ứng, triển khai độ phủ vaccine mũi 2 trên toàn dân, tăng cường, tập trung thiết lập mạng lưới hạ tầng khu cách ly… cho các tỉnh thành trong khu vực để đủ sức tự bảo vệ trước và trong khi tìm đường trở lại “bình thường mới”.
(Theo sggp.org.vn)