Chủ Nhật, 31/10/2021, 10:25 (GMT+7)
.

Lãnh đạo hãy là người truyền cảm hứng

(ABO) Hãy là người đứng đầu với tư duy tích cực, dám nghĩ dám làm vì cái chung; hãy là người lãnh đạo truyền cảm hứng làm việc, cống hiến sáng tạo cho cấp dưới, huy động sức mạnh đoàn kết của tập thể để đưa cơ quan, đơn vị, địa phương bứt phá vươn lên trong nhiệm kỳ và tạo tiền đề phát triển cho những nhiệm kỳ sau.

a
Ảnh: D.S

“Tư duy nhiệm kỳ” là một trong những điểm mới của Qui định 37- QĐ/TW 2021 vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành về những điều đảng viên không được làm. Đây là cụm từ được nói tới nhiều trong các diễn đàn, hội nghị thời gian gần đây.

Lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến “Tư duy nhiệm kỳ” tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XI ngày 10-10-2011; nó như lời cảnh báo, nhắc nhở cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng phải phòng, chống “tư duy nhiệm kỳ” như một căn bệnh, tệ nạn trong xã hội. Và đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (tháng 10-2016) Ban chấp hành trung ương đã xem “tư duy nhiệm kỳ” cũng là một biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

a
Quang cảnh Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: D.S

Tại sao “Tư duy nhiệm kỳ” lại xem là một biểu hiện của sự suy thoái? Bởi cái gọi là tư duy nhiệm kỳ trong nháy nháy được hiểu theo nghĩa tiêu cực, nó gắn liền với chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi. Đó là cách tư duy, hành động không đúng hoặc bất chấp quy luật, điều kiện, hoàn cảnh thực tế của cá nhân lãnh đạo hoặc của một nhóm người trong cơ quan, đơn vị, tổ chức triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ nhằm phục vụ cho lợi ích trước mắt, ngắn hạn để thu lợi nhiều nhất cho bản thân, phục vụ cho “nhóm lợi ích”. Tư duy đó có thể và về các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; cũng có thể là về công tác cán bộ như quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm...sao cho phù hợp với tính toán cá nhân hoặc lợi ích nhóm.

Có thể thấy “Tư duy nhiệm kỳ” gắn với tư duy, trách nhiệm của người đứng đầu, bởi nó đi liền với những quyết sách, hoạch định, chủ trương phát triển của nhiệm kỳ đó. Nếu người lãnh đạo, người đứng đầu có tâm, đủ tầm, biết cách tập hợp, quy tụ và khơi dậy sức mạnh tập thể một cách khoa học, đúng lúc, đúng chỗ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng động, sáng tạo, tận tâm cống hiến, tận lực làm việc vì cái chung, thì sẽ để lại “dấu ấn nhiệm kỳ” tốt đẹp.

Và ngược lại, nếu người đứng đầu có tư duy, định hướng kế hoạch phát triển cả nhiệm kỳ theo hướng vụ lợi cá nhân, vun vén lợi ích nhóm thì chắc chắc sẽ kềm hãm sự phát triển và thậm chí làm hư hỏng cán bộ. Cũng phải nhìn nhận, thực tế có những người đứng đầu tâm huyết, trình độ, nhưng thiếu khả năng quyết đoán, cứng nhắc trong triển khai thực hiện, quá dựa vào nguyên tắc, vào cơ chế, chính sách của trên, không mạnh dạn đột phá, sáng tạo nên suốt nhiệm kỳ tổ chức, cơ quan, địa phương mình vẫn không phát triển.

a
Thủ đô Hà Nội chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: D.S

Một nhiệm kỳ 5 năm là không dài, nhưng cũng không quá ngắn cho những tính toán, hoạch định, triển khai các chương trình, dự án phát triển cho đơn vị, địa phương. Hãy là người đứng đầu với tư duy tích cực, dám nghĩ dám làm vì cái chung; hãy là người lãnh đạo truyền cảm hứng làm việc cống hiến sáng tạo cho cấp dưới, huy động sức mạnh đoàn kết của tập thể để đưa cơ quan, đơn vị, địa phương bứt phá vươn lên trong nhiệm kỳ và tạo tiền đề phát triển cho những nhiệm kỳ sau.

Đó cũng là mong muốn của Đảng đặt ra khi đưa khái niệm “Tư duy nhiệm kỳ” vào những điều đảng viên không được làm tại Quy định lần này.

D.S

 

.
.
.