Thứ Năm, 06/01/2022, 15:50 (GMT+7)
.

Chuyển đổi số báo chí: Bắt đầu từ đâu?

(ABO) Những người làm báo hiểu rằng, dù công nghệ có hỗ trợ thế nào, dù cách thức tác nghiệp có thay đổi ra sao, thì đạo đức nghề nghiệp, lý tưởng làm nghề vẫn không thay đổi.

a
Phóng viên báo, đài tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: D.S

Tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 30-11-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia trong năm 2022 để tạo bước đột phá, thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động, đặc biệt phải bố trí nguồn lực hợp lý, hiệu quả cho nhiệm vụ này.

Về phía Tiền Giang, UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 bằng Đề án Chính quyền số giai đoạn 2020 - 2025. Rõ ràng số hóa từ hoạt động chính quyền đến kinh tế, xã hội là xu thế tất yếu để hòa nhập và phát triển. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số hoạt động báo chí cũng là một yêu cầu cấp bách. Vừa qua, trên các diễn đàn báo chí đã mổ xẻ, bàn luận nhiều về việc chuyển đổi này. Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua, vấn đề chuyển đổi số gắn với kinh tế báo chí cũng đã được đề cập, bàn thảo khá sâu.

Trên tinh thần đó, các cơ quan báo chí trong tỉnh cũng đã tính toán lộ trình chuyển đổi số để thích ứng với công nghệ, đảm bảo tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền. Tuy nhiên, tiến trình chuyển đổi này cũng không đơn giản, với không ít khó khăn, thách thức; mà trước hết là về tư duy, nhân lực và kinh phí cho việc chuyển đổi. Thực tế, một bộ phận những người làm báo, quản lý báo chí vẫn chưa quan tâm nhiều về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, ngoài ra cũng có tâm lý ngại thay đổi.

a
Các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí - Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: D.S

Theo các chuyên gia về công nghệ, việc chuyển đổi số báo chí cần thực hiện một cách căn cơ, toàn diện. Và khi đã làm chủ được công nghệ số, việc xây dựng được các quy trình ứng dụng công nghệ số vào trong hoạt động báo chí không chỉ tăng sự nhanh nhạy của thông tin, mà còn tăng khả năng tổng hợp, phân tích, đánh giá và kiểm soát tốt nội dung khi khối lượng thông tin bùng nổ mỗi ngày như hiện nay.

Với cách làm báo kiểu cũ sẽ khó có thể theo kịp xu thế, đáp ứng nhu cầu của người đọc. Rõ ràng chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược, góp phần tăng hiệu quả thông tin, giúp các cơ quan báo chí có thể đi trước dư luận để định hướng tốt hơn. Do đó, các cơ quan báo chí cần quyết liệt hơn nữa trong việc chuyển đổi để tận dụng cơ hội, tránh bị tụt hậu.

Trong tiến trình chuyển đổi này rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía; nhưng trước hết đòi hỏi thay đổi về tư duy, nhận thức của các cơ quan báo chí; từ người đứng đầu cho đến các phóng viên, nhân viên; bởi chuyển đổi số không chỉ ở quá trình sản xuất nội dung, không chỉ là thay đổi, nâng chất về báo điện tử, mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ hoạt động của tòa soạn, kể cả công tác quản trị, kinh doanh… Tất cả đều phải số hóa, khi đó quy trình chuyển đổi mới thực sự đồng bộ. Kế đến là rất cần sự ủng hộ từ cơ quan chủ quản báo chí và đặc biệt là nguồn kinh phí để thực hiện cho quá trình chuyển đổi.

a
Trung tâm Báo chí tại Đại hội Đảng lần thứ XIII đã hỗ trợ về mặt công nghệ cho các cơ quan báo chí tác nghiệp thuận lợi. Ảnh: D.S

Trước mắt, các cơ quan báo chí rất cần sự tham vấn từ các sở, ngành liên quan về mô hình chuyển đổi  nào là phù hợp và tham mưu đề xuất với lãnh đạo tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các báo, đài thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như về mặt nhân sự để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong tiến trình chuyển đổi số.

Trên lộ trình xây dựng nền báo chí cách mạng ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại, vấn đề ứng dụng công nghệ là yêu cầu tất yếu. Những người làm báo đều hiểu và đang nỗ lực từng ngày để thích ứng với sự biến chuyển của xu thế mới. Chúng tôi cũng hiểu rằng, dù công nghệ có hỗ trợ thế nào, dù cách thức tác nghiệp có thay đổi ra sao, thì đạo đức nghề nghiệp, lý tưởng làm nghề vẫn không thay đổi. Các nhà báo, cơ quan báo chí trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung vẫn luôn tuân thủ phương châm: Khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ lẽ phải và đặc biệt hoạt động báo chí phải vì lợi ích cộng đồng, vì sự phát triển của đất nước, vì sự vươn lên giàu đẹp của quê hương Tiền Giang.

LÊ THỊ TRƯỜNG AN



 

.
.
.