.

Khai thông cửa ngõ đồng bằng

Cập nhật: 21:07, 20/01/2022 (GMT+7)

(ABO) Vậy là sau hơn 10 năm, trải qua nhiều dấu mốc khác nhau, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức được thông xe kỹ thuật vào ngày 19-1. Đây là dấu mốc quan trọng không chỉ riêng Tiền Giang mà còn đối với hơn 20 triệu người dân của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Cửa ngõ của đồng bằng được “khai thông” để mở đường cho vùng đất Chín Rồng mở cửa vươn lên, xứng tầm khi được mệnh danh là trù phú với lúa gạo, cá tôm, trái cây được xếp vào nhóm bậc nhất của cả nước.

Thế nhưng, những ai đã từng theo dõi dự án này mới có thể cảm nhận những bước thăng trầm, những giai đoạn cam go và những kỳ vọng lớn lao của người dân đồng bằng. Và hơn hết là mới cảm nhận được ý nghĩa của dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mang lại. Lần theo thời gian, dự án này được manh nha từ năm 2009. Thế nhưng, sau hơn 5 năm sau, vào đầu năm 2015, dự án được khởi động lần thứ hai và dự kiến hoàn thành vào năm 2018, nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật. Ảnh: Minh Thành.
Nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật. Ảnh: Minh Thành.

Đến gần giữa năm 2019, nhà đầu tư đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang trong việc bàn giao vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền mới là UBND tỉnh Tiền Giang; đồng thời với đó là nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tiếp theo, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã phê duyệt kế hoạch tiến độ tổng thể dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và dự kiến đến ngày 31-12-2020 là phải thông tuyến, cơ bản là nền hạ, cầu, cống phải hoàn thành; đến ngày 30-4-2021, nghiệm thu dự án và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, đến nay dự án mới được thông xe kỹ thuật và chuẩn bị được đưa vào khai thác chính thức.

Phát động thi đua dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào ngày
Phát động thi đua dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được tổ chức vào ngày 1-2-2020.

Chúng tôi cũng đã nhiều lần đi thực tế dự án này và cảm nhận được rất nhiều nỗ lực của đơn vị thi công, nhất là những lúc cao điểm cần phải tăng ca, làm xuyên Tết Nguyên đán. Sau bao nỗ lực, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km cũng đã chính thức được thông xe kỹ thuật sau 13 năm triển khai, góp phần rút ngắn thời gian từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây từ 3 giờ còn khoảng 1 giờ 45 phút. Đường rộng 17 m, 4 làn xe, không có làn khẩn cấp ở hai bên như nhiều cao tốc khác, thay vào đó mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp, mỗi điểm cách nhau 4 - 5 km. Chính điều này góp phần tạo thêm băng thông lớn cho ĐBSCL trong tương lai.

Cách đây đúng 1 năm, vào ngày 4-1-2021, hơn 20 triệu dân trong vùng cũng đón chào sự kiện khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đây có lẽ cũng là niềm vui chung cho người ĐBSCL sau bao năm chờ đợi. Bởi khi đường thông sẽ “khơi thông” nhiều thứ khác sau nhiều năm bị nghẽn.

Thi công đưởng cao tốc xuyên Tết Nguyên đán, ảnh chụp ngày 20-1-2020.
Thi công đường cao tốc xuyên Tết Nguyên đán, ảnh chụp ngày 20-1-2020.

Đó là niềm vui lớn, bởi cách đây khoảng 10 năm, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển ĐBSCL diễn ra tại TP. Cần Thơ, nhiều “điểm nghẽn” cần được khai thông nếu muốn ĐBSCL cất cánh. Một trong những điểm đáng chú ý nhất đã được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại hội nghị này là ách tắc trong hạ tầng giao thông. Bởi sau một thời gian dài ĐBSCL vẫn được xem là vùng trũng trong kết nối giao thông huyết mạch, nhất là hệ thống giao thông mang tính nội vùng và liên vùng.

Nhìn từ thực tiễn, không chỉ đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hay cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nhiều tuyến giao thông mang tính chiến lược khác cũng sẽ được triển khai ở vùng đất Chín Rồng.

Một chặng đường mới chắc chắn sẽ mở ra khi các tuyến đường giao thông huyết mạch của ĐBSCL chính thức đi vào hoạt động. Niềm vui chung của hơn 20 triệu người dân ĐBSCL dần được hiện thực hóa. Vậy là, cửa ngõ ĐBSCL chính thức được khai thông từ đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

THÁI AN

.
.
.