Thông xe, mở đường năm mới
Hôm nay 19-1, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, công trình có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng với gần 13 năm triển khai thực hiện, được thông xe kỹ thuật, khánh thành tuyến chính, mở ra nhiều kỳ vọng cho người dân miền châu thổ Cửu Long.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có ý nghĩa rất quan trọng trong tuyến đường cao tốc Bắc Nam, mở cửa vào miền Tây, một mắt xích nối kết đường cao tốc TPHCM - Trung Lương hiện tại và đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong tương lai. Nó là mạch máu liên thông 2 điểm nút đô thị liên vùng TPHCM - Cần Thơ và 2 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia ĐBSCL với Đông Nam bộ.
Giao thông là điều kiện vật chất, tạo ra không gian thông suốt để thực thi liên kết nội vùng, liên vùng. Giao thông cũng chính là huyệt đạo của miền Tây, khi phát triển hạ tầng giao thông chính là mệnh lệnh phát triển vùng.
Tuy bức tranh giao thông ĐBSCL những năm gần đây đã có nhiều điểm sáng, nhưng tổng thể hạ tầng giao thông vẫn đang là điểm nghẽn trong phát triển vùng. Cụ thể, khi cả nước có hàng ngàn kilômét đường cao tốc, nhiều nơi đường tốt, lại ít xe, thì ĐBSCL nối với trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TPHCM và Đông Nam bộ chỉ có hơn 40km đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Trong khi liên vùng này tạo ra hơn 60% GDP cho đất nước, góp khoảng 70% túi tiền quốc gia, thì các tuyến đường bộ thường xuất hiện các nút thắt cổ chai, tắc nghẽn xảy ra những lúc cao điểm như lễ, tết, hoặc khi vào vụ lưu thông hàng hóa… gây ra nhiều bức xúc.
Trong cơn đói đường cao tốc, khát đường giao thông của miền Tây, việc hoàn thành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tạo ra nhiều phấn khởi và kỳ vọng cho tương lai nối tiếp với cầu Mỹ Thuận 2, tuyến đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và đầu tư một số tuyến đường cao tốc mới cho đồng bằng.
Kỳ vọng về một diện mạo mới cho giao thông miền Tây từ đường cao tốc, nhưng cần tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn. Phát triển giao thông vùng cần giải bài toán vốn ít - nhu cầu đầu tư lớn, kết nối các công trình hiệu quả, khắc phục tình trạng tiến độ thi công chậm. Cần sắp xếp không gian và nguồn lực đầu tư phù hợp với yêu cầu phối hợp đồng bộ, hiệu quả.
Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách khó khăn, cần đẩy mạnh việc xã hội hóa, đa dạng hóa các phương thức đầu tư, trong đó có việc thu hút đầu tư tư nhân thông qua các phương thức BOT, BTO, PPP…
Đầu tư cầu, đường là cần thiết và việc thu phí là lẽ tất nhiên, song mặt trái của “xã hội hóa giao thông” cũng đang là một “điểm nghẽn” khác cần được tháo thông. Sự kiện “các trạm thu phí thất thủ” thời gian qua và gánh nặng của đồng bằng khi có đến hơn chục trạm thu phí đã và đang triển khai, tạo ra sức ì tăng phí cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp và người dân đồng bằng, tất cả cũng cần được nhìn nhận như những thách thức phải giải quyết.
Việc phát triển giao thông phải gắn liền với yêu cầu phát triển hạ tầng logistics, đảm bảo các yêu cầu tích hợp trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, không cục bộ địa phương. Các tỉnh thành cần chủ động gắn kết phát triển địa phương với quy hoạch vùng; tận dụng tất cả cơ hội từ các công trình giao thông trọng điểm mang lại. Quãng đường từ công trình này đến công trình khác, từ đồng vốn kế hoạch đến chân công trình nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào cách thức xử lý của các bên liên quan.
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thông xe, nhưng để khơi thông dòng chảy các nguồn lực, thu hút đầu tư, phát triển địa phương và phát triển vùng mới mang lại ý nghĩa thật sự. Công trình quan trọng này cần được tổ chức nghiệm thu, đánh giá đảm bảo chất lượng, chứ không chỉ là việc thông xe cho kịp tết.
Càng có ý nghĩa hơn khi nó gắn kết với các công trình trọng điểm khác có chủ trương đầu tư, được khởi công xây dựng như cầu Mỹ Thuận 2, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các tuyến đường cao tốc khác ở miền Tây đã được đưa quy hoạch, có kế hoạch đầu tư sắp tới…
Theo sggp.org.vn