Thứ Bảy, 12/03/2022, 21:30 (GMT+7)
.

Chủ động, tự tin hơn qua đại dịch

(ABO) Vậy là đúng 2 năm kể từ ngày 11-3-2020, trong buổi họp báo về Covid-19 tại trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO chính thức công bố đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới.

Đúng 2 năm, thế giới đã trải qua quá nhiều biến đổi và thách thức. Cuộc sống người dân trên toàn thế giới bị đảo lộn, đặc biệt là đối với sức khỏe con người.

Những cơn càn quét mới của Covid-19 lại bắt đầu trong những ngày gần đây, chỉ chính thức tạm lắng trong một khoảng thời gian rất ngắn. Điều đáng lo hơn là đợt càn quét này lại tập trung vào đối tượng học sinh và trẻ em khiến cho đường đến trường giờ đây của các em thêm nhọc nhằn. 

Kể từ năm 2020 đến nay ngành Du lịch dường như đóng băng do tác động của dịch Covid-19.
Kể từ năm 2020 đến nay ngành Du lịch dường như đóng băng do tác động của dịch Covid-19.

Thật ra, câu chuyện hiện nay không chỉ đối với ngành Giáo dục mà dường như đối với tất cả các ngành, lĩnh vực khác. Du lịch chẳng hạn. 15-3, theo dự kiến sẽ mở cửa du lịch. Đó là điều mà ngành Du lịch cả nước mong chờ rất lâu. Nhưng trước tình hình hiện nay dường như câu chuyện mở cửa du lịch chắc chắn còn nhiều điểm cần phải bàn thêm. Và một điều chắc chắn rằng việc mở cửa đến mức độ nào còn tùy thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19.

Nhìn rộng hơn, cùng với cả nước, chương trình phục hồi kinh tế của Tiền Giang đang đang được tính toán, cân nhắc, ít nhất cũng cho 2 năm 2022 - 2023. Tiền Giang cũng đã và đang tính toán đến mục tiêu là tính hành động cao, gắn chặt với các giải pháp đảm bảo phục hồi nhanh và phát triển ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh trong hình hình mới.

Bởi từ đầu năm 2020, nhất là quý III/2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động đến từ ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống xã hội và khả năng thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm 2021 - 2025. Từ thực tế hiện hữu, Tiền Giang đặt ra mục tiêu cho chặng đường mới thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội cho từng chặng đường cụ thể.

Nhìn từ thực tiễn, nhiều kịch bản cho tăng trưởng cho các nền kinh tế đã được dựng nên nhưng dường như cũng cần thời gian dài nữa mới trở lại quỹ đạo ban đầu khi chưa có dịch bệnh xảy ra. Việt Nam cũng nằm trong bức tranh chung đó. Những ngày bình thường mới của người dân Việt Nam cũng được nhắc đi nhắc lại sau nhiều đợt dịch bùng phát. Vậy mà, sau đúng 2 năm, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, những ngày bình thường mới cũng đang tiếp tục được chờ đón. Đó cũng là hy vọng rất lớn của người dân Việt Nam.

Nhưng dẫu sao, đúng 2 năm từ ngày công bố đại dịch Covid-19, thế giới nói chung, người dân Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Cuộc sống người dân Việt Nam dường như đã chậm hơn. Họ đã thay đổi thói quen chi tiêu, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe.

Và đối với đợt dịch đang bùng phát lần này, dường như tâm lý người dân cũng đã được thay đổi. Họ đã chủ động, tự tin và sẵn sàng đối diện với Covid-19 hơn, bởi họ đã được trang bị nền tảng cơ bản về kiến thức, được bảo vệ bằng vắc xin, thuốc điều trị và hơn hết là tinh thần ứng phó với dịch bệnh. Những chuỗi ngày mong chờ cho những ngày bình thường mới lại tiếp tục bắt đầu.

TA

.
.
Liên kết hữu ích
  • Đặt eSIM du lịch Gohub trên Traveloka
.