Thứ Bảy, 30/04/2022, 15:07 (GMT+7)
.

Để Việt Nam mãi hòa bình, thống nhất và phát triển

Những ngày tháng Tư năm 2022, dù còn diễn biến phức tạp song đại dịch COVID-19 đã qua đỉnh và trên đà giảm mạnh. Thế nhưng, dịch dã chưa qua hết thì cả thế giới lại một phen chao đảo vì những hệ lụy từ cuộc xung đột Nga – Ukraine: giá xăng dầu và nhiều loại nguyên liệu quan trọng “đầu vào” của sản xuất đều tăng chóng mặt.

Những đòn trừng phạt qua lại giữa Nga với Mỹ và một số nước phương Tây, khiến bầu không khí hòa bình thế giới trở nên căng thẳng, mong manh. Nhiều quốc gia do vậy cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giá khí đốt, giá điện, giá lương thực… đều leo thang khiến chất lượng cuộc sống của người dân một số quốc gia, kể cả các nước phát triển, bị ảnh hưởng không nhỏ.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức cho phép, đời sống người dân được bảo đảm. Đặc biệt, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, sản xuất đã phục hồi nhanh chóng từ quý IV/2021 và những tháng đầu năm 2022; tốc độ tăng trưởng kinh tế được các chuyên gia thế giới đánh giá có thể đạt mức 6,3 – 6,8% trong năm 2022!

Đạt được những thành tựu quan trọng như trên, một trong những căn nguyên sâu xa là trong nhiều năm qua, đất nước ta đã tạo lập nền tảng vững chắc để có được: Hòa bình, ổn định chính trị; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; nền kinh tế ngày càng có “thực lực” và thích ứng được trong những tình huống khó khăn.

Hơn 2 năm qua, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển sản xuất, bảo đảm sự ổn định, phát triển của nền kinh tế là cực kì linh hoạt, “quyền biến” và hiệu quả. Từ chỗ nhất quán chính sách “zero COVID-19”, tập trung “truy vết, khoanh vùng, dập dịch” theo Chỉ thị 15, 16;  chúng ta đã chuyển sang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Có nghĩa là, Việt Nam chấp nhận “có một số ca COVID-19 nhất định tại cộng đồng” và từng bước đưa cuộc sống, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch… trở lại bình thường.

Không thể không nhắc tới “chiến lược vaccine”, từ chỗ hầu như chưa có ai tiêm mũi 1 (tháng 5/2021), đến tháng 4/2022, Việt Nam đã cơ bản tiêm mũi 3 cho người dân trong độ tuổi trên 18, trở thành một trong những quốc gia có tốc độ “phủ sóng” vaccine cao nhất thế giới. Chính vì vậy, dù số ca nhiễm tăng cao, như Hà Nội dịp đầu tháng 3/2022 có thời điểm trên 20.000 ca/ngày, song số ca tử vong và số ca nặng phải nhập viện rất ít và ngày càng giảm.

Sau nửa năm thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, công tác phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế đã đạt được kết quả rõ rệt. Nhiều mặt đời sống ở các điểm nóng dịch đã hoàn toàn trở lại bình thường, như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương. Đến nay, các cấp học trong cả nước đã mở cửa trở lại; hoạt động du lịch, đi lại của người dân và du khách đã diễn ra gần như trước dịch.

Nói về sự linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, một thảm họa  an ninh phi truyền thống mang tính chất toàn cầu, cũng nên nhắc lại một bài học trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau Hiệp định Geneva, đất nước bị chia cắt 2 miền Nam – Bắc. Miền Bắc tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc, hậu phương lớn cho miền Nam đấu tranh hòa bình, tiến tới thống nhất đất nước. Tuy nhiên ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm với sự hỗ trợ, chống lưng của Mỹ đã thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, dồn dân lập ấp chiến lược, ra sức truy lùng, bức hại những người kháng chiến cũ, “Việt cộng” nằm vùng… Nhiều cán bộ của ta và những người yêu nước trong các phong trào, lực lượng khác bị đàn áp đẫm máu; hàng loạt cơ sở cách mạng bị tan vỡ, bóc gỡ. Cách mạng miền Nam đứng trước thử thách hiểm nghèo.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã từ thực tiễn phân tích làm rõ yêu cầu và những giải pháp, biện pháp, đường lối của cách mạng miền Nam. Nghị quyết 15 ra đời năm 1959, khẳng định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng, thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Từ chỗ xác định “đấu tranh chính trị”, chuyển sang kết hợp đấu tranh vũ trang: “trong một chừng mực nhất định ở những địa bàn nhất định đã xuất hiện những lực lượng vũ trang tự vệ và tuyên truyền, đó là điều cần thiết”; đây chính là sự chuyển biến cực kì quan trọng trong nhận thức và hành động. Nghị quyết 15 đã tạo đà cho phong trào “Đồng khởi” phát triển, cách mạng miền Nam ngày càng lớn mạnh, trong lúc chính quyền Ngô Đình Diệm và chính trường Việt Nam Cộng hòa sau đó ngày càng lâm vào bất ổn, đảo chính liên miên dù được Mỹ đổ người, đổ của vào nhưng cũng không thể cứu vãn sự sụp đổ.

Tròn 47 năm Thống nhất đất nước, chúng ta càng hiểu rõ giá trị của hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển. Không phải đất nước nào cũng có thể giữ mãi được những giá trị đó, kể cả những đất nước giàu mạnh, có bề dày lịch sử, văn hóa.

Với Việt Nam, đối nội thì “thương dân, trọng dân”; đối ngoại thì “cây tre”, kiên định và bền gốc nhưng mềm mại, dẻo dai - ấy là kế sách lâu bền.

Theo Báo Công an nhân dân

.
.
.