Thứ Bảy, 02/04/2022, 15:50 (GMT+7)
.

Hãy giữ môi trường mạng lành mạnh, an toàn cho con trẻ

Câu chuyện một nam sinh tự tử vì áp lực học hành từ cha mẹ tối ngày 1-4 đã bóp nghẹt trái tim của bao người. Nhưng thay vì tiếp tục chia sẻ, lan truyền, bình luận về sự việc đau lòng đó, người lớn, trước hết là những bậc cha mẹ, hãy làm ngay những gì có thể để con trẻ được sống đúng lứa tuổi, đúng khả năng và ước mơ của mình.

a
Hãy để con trẻ sống đúng lứa tuổi, ước mơ và khả năng của mình.

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến hơn hai năm qua, thế giới của con trẻ bị thu gọn lại trong học hành và quanh quẩn trong ngôi nhà của mình. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và cho thấy rằng con trẻ không được giao tiếp nhiều với thế giới xung quanh, phải chịu áp lực học hành từ nhỏ có thể sẽ trở nên cộc cằn, không kiềm chế được và không biết chia sẻ cảm xúc…

Theo kết quả đánh giá nghiên cứu trên diện rộng, tỷ lệ học sinh có biểu hiện stress, lo âu, trầm cảm trong thời gian nghỉ học do dịch bệnh COVID-19 rất đáng quan ngại, trong đó có 65% có biểu hiện stress và 23% nghĩ đến việc tự tử.

Hơn lúc nào hết, sự chia sẻ, đồng cảm, đồng hành của cha mẹ dành cho các em lúc này là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, quan tâm con trẻ thế nào là đúng, là đủ, là sâu sắc, thấu hiểu… không phải là sự dễ dàng dù bậc cha mẹ nào cũng luôn muốn dành những gì tốt nhất cho con mình, mong con giỏi giang, mạnh mẽ để thành công sau này. Kỳ vọng đó vô hình trung đã trở thành áp lực rất lớn đối với nhiều em học sinh.

Câu hỏi thường thấy của nhiều cha mẹ khi đón con về từ trường là: Hôm nay con học có tốt không? Hôm nay con được bao nhiều điểm? So với điểm các bạn trong lớp thì thế nào? Nhưng niềm vui của con trẻ còn là những câu chuyện, sự trải nghiệm, cảm xúc, suy nghĩ về bạn bè, thầy cô, gia đình, những người xung quanh…  Cha mẹ không thể vẽ lên thế giới của con trẻ mà chỉ góp phần giúp các em tự làm điều đó.

Các em cần được sống với đúng suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn ở lứa tuổi của mình chứ không phải gánh nặng trĩu vai ước mơ và kỳ vọng của người lớn.

Chỉ trong 10 ngày gần đây đã xảy ra 3 vụ học sinh tự tử.

Những sự việc đầy thương tâm này là lời cảnh tỉnh, nhắc gửi đau lòng tới các bậc cha mẹ hãy quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ với con cái của mình nhiều nhất có thể thay vì sự áp đặt, cứng nhắc với suy nghĩ đang dành những gì tốt nhất cho con.

Nhưng chúng ta cũng cần dừng lại việc tiếp tục lan truyền, chia sẻ, bình luận về các sự việc đau lòng bởi không thể nào giúp các em quay trở lại với cuộc sống, với gia đình của mình mà chỉ cứa thêm vào nỗi đau của người thân, cha mẹ, gia đình. Thậm chí, một số nội dung thông tin, hình ảnh chia sẻ đã vi phạm quy định về quyền riêng tư, Luật Trẻ em, Luật Báo chí; cũng như các bình luận, quy kết thiếu căn cứ về nguyên nhân dẫn đến tai nạn gây ảnh hưởng tiêu cực đến thân nhân gia đình nạn nhân cũng như tâm lý các em học sinh và phụ huynh.

Chừng nào những hình ảnh, thông tin về các em học sinh xấu số vẫn còn tiếp tục được chia sẻ trên mạng xã hội thì nỗi đau ấy vẫn còn hiện hữu và nguy hiểm hơn chính là tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến con trẻ, trước hết là những em học sinh đang ở hoàn cảnh tương tự, bị trầm cảm hoặc biểu hiện trầm cảm có nguy cơ bắt chước, làm theo thay vì chọn cách tâm sự, chia sẻ với cha mẹ, bạn bè, thầy cô

Mỗi người lớn đều từng là trẻ con. Hãy thấu hiểu, bao dung và tôn trọng thế giới tuổi thơ. Hãy để các con được sống đúng với lứa tuổi của mình, được trải qua một quãng tuổi thơ đầy ắp kỉ niệm đẹp. Có như vậy các em mới có thể phát triển toàn diện trí tuệ, tâm lý và tình cảm.

Theo baochinhphu.vn



 

.
.
.