Thứ Sáu, 22/04/2022, 20:44 (GMT+7)
.

Sao lại để Lịch sử là môn tự chọn?

Những ngày qua, dư luận một lần nữa lại dậy sóng khi biết rằng từ năm học 2022-2023, môn Lịch sử ở cấp THPT trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ trở thành môn học tự chọn. Nghĩa là học sinh THPT có thể học hoặc không học cũng được. Dư luận và các thầy cô, chuyên gia đặt vấn đề liệu như vậy có ổn không?

Tại buổi họp giao ban báo chí vừa qua, giải thích vì sao môn Lịch sử là môn tự chọn trong Chương trình GDPT cấp THPT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình GDPT năm 2018 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong sự sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho từng môn học, môn Lịch sử được bố trí dạy như sau:

Ở cấp học THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung Chương trình phân môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp. Nội dung Chương trình phổ thông phân môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.

Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh nào chọn tổ hợp xã hội có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội có môn Lịch sử…

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, với cách bố trí như vậy môn Lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông.
 

a

Ảnh minh họa. Nguồn: tuoitre.vn


Tuy nhiên, nhiều giáo viên, chuyên gia vẫn băn khoăn rằng, học sinh vốn ngại học Lịch sử, nhiều năm liền, điểm thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn đứng ở vị trí “đội sổ”. Năm 2021, cả nước có 637.005 thí sinh tham gia thi bài thi Lịch sử, trong đó điểm trung bình là 4.97 điểm, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 331,429, chiếm tỷ lệ 52.03%. Những con số này đã phần nào phác họa được thực trạng dạy và học môn Lịch sử hiện nay. Nếu tiếp tục đưa Lịch sử thành môn tự chọn, điều khiến dư luận lo ngại là có thể càng ngày sẽ càng ít học sinh lựa chọn, thậm chí loại môn học này ra khỏi chương trình giáo dục của bản thân.

Nếu đưa môn Lịch sử trở thành môn tự chọn nghĩa là đang dần “bóp chết” môn học này

Chia sẻ với phóng viên, GS.TS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ ý kiến: Khi sắp xếp môn Lịch sử là môn tự chọn cấp THPT là nỗi buồn, là sự thất vọng lớn. Trong bối cảnh hiện nay, việc Bộ GD&ĐT xây dựng Chương trình các môn học theo định hướng nghề nghiệp là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nếu nhìn lại 7 môn bắt buộc trong đó, môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ là môn nền tảng cơ bản; môn Giáo dục thể chất bắt buộc vì được xem là nền tảng thể lực. Thế nhưng, môn Lịch sử là nền tảng xây đắp tình yêu Tổ quốc trong mỗi người con Việt Nam thì lại “bỏ đi”. Nếu đưa môn Lịch sử trở thành môn tự chọn nghĩa là đang dần “bóp chết” môn học này.

GS.TS Đỗ Thanh Bình cho hay, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của môn học Lịch sử chắc hẳn ai cũng hiểu rõ. Theo Bộ GD&ĐT giải thích, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh được học Lịch sử đã đầy đủ và toàn diện rồi. Nhưng vấn đề đặt ra là giai đoạn đó học sinh còn nhỏ tuổi, trình độ tiếp nhận kiến thức rất cơ bản.

Quan trọng hơn nữa, học sinh chỉ học Lịch sử đến hết lớp 9, sang cấp THPT nếu để là môn tự chọn thì nhiều kiến thức tiếp theo sẽ không được học nữa như: các nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam; các dân tộc Việt Nam; những nền lịch sử văn hóa Việt Nam… Những nội dung này được tích lũy theo chủ đề và chuyên đề thế nhưng ở cấp THCS gần như không được học. Nếu không được học nghĩa là bị “bỏ đi”. Đây là lỗ hổng rất lớn.

“Các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc ngày trước cũng lấy môn Lịch sử là môn tự chọn, sau một thời gian thấy bất ổn thì giờ họ đưa vào là môn học bắt buộc. Chúng ta cần phải rút kinh nghiệm, không thể lặp lại sai lầm như vậy được, đừng để tổn thất lớn rồi mới quay lại. Tôi kiến nghị cần đưa môn Lịch sử thành môn bắt buộc...”- GS.TS Đỗ Thanh Bình nói.

Thật khó hiểu nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn

Cũng nhiều băn khoăn như vậy, GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn thực sự cảm thấy khó hiểu. Lịch sử là môn học quan trọng, mỗi công dân đều cần am hiểu lịch sử, không phải chỉ học đến cấp THCS đã hiểu về lịch sử, ngay cả khi trưởng thành cũng cần những kiến thức của môn này. Lịch sử không gói gọn trong vài năm mà là hàng ngàn năm hình thành và phát triển của một đất nước. Lịch sử cũng không đóng khuôn trong một lãnh thổ quốc gia mà là cả thế giới.

Chúng ta học lịch sử để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc, không chỉ hiểu về nước mình mà hiểu về cả các nước khác trên thế giới. Lịch sử cần giữ đúng vị thế là một môn học quan trọng trong chương trình chứ không phải tự chọn học hay không. Nhiều người vẫn cho rằng Toán, Ngữ Văn, Anh, Lý, Hóa là môn chính, các môn như Sử, Địa chỉ là môn phụ, nhưng trong xã hội hiện đại, bất cứ môn học nào, tri thức nào cũng cần, ở bậc phổ thông thì lại càng cần phát triển toàn diện, học không phải chỉ để thi. Nếu không cẩn thận, việc này có thể trở thành một sai lầm mà nhiều năm sau mới thấy hậu quả” - GS Phạm Tất Dong nói.

Dẫn lại câu nói nổi tiếng của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta”, GS Phạm Tất Dong cho rằng, trong xã hội toàn cầu ngày nay, dân ta không chỉ cần biết sử ta mà cần biết cả về lịch sử thế giới. Bản thân người học tốt Lịch sử đã mang một bản lĩnh chính trị, nói vậy không có nghĩa là chỉ gồm hiểu biết về những đường lối chính trị khô khan, mà là  hiểu về sự phát triển của dân tộc, từ đó có cách nhìn toàn diện về mối quan hệ giữa các quốc gia.

Nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn và với cách dạy học như hiện nay, thì chỉ sau vài thế hệ, chúng ta sẽ thấy những vấn đề lớn mà quan trọng nhất là quan hệ công dân với chính đất nước mình. Hậu quả của việc này là không thể lường được.

Cũng bức xúc khi cho rằng môn Lịch sử là môn tự chọn ở cấp THPT, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII nhấn mạnh: Không thể để môn Lịch sử là môn tự chọn. Muốn làm tốt công việc chuyên môn cũng cần phải có kiến thức xã hội. Ở cấp THPT việc thiết kế các môn học theo định hướng nghề nghiệp là đúng. Thế nhưng khi hướng nghiệp, các em không chỉ học về nghề nghiệp đó, mà còn được học về truyền thống của ngành nghề đó, về tinh thần yêu nước, vượt khó vươn lên… Cho nên Bộ GD&ĐT cần phải nghiên cứu lại thế nào là môn cơ bản.

Do đó, PGS.TS Bùi Thị An đề nghị môn Lịch sử phải là môn học bắt buộc hết THPT để học sinh nắm sâu hơn kiến thức lịch sử Việt Nam, đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Dù môn này có thi hay không thi cũng là để trang bị hành trang vào đời một cách toàn diện nhất có thể.

Phụ huynh Đ.T.T có con đang học lớp 9 tỏ ra khá ngạc nhiên khi năm học mới 2022-2023, con chị có thể sẽ không cần phải học môn Lịch sử nữa “Con tôi học khá các môn tự nhiên, lên lớp 10 cháu sẽ chọn nhóm Khoa học tự nhiên. Còn môn tự chọn còn lại không biết con có chọn Lịch sử hay không? Đấy là sở thích của cháu, tôi không can thiệp. Nhưng tôi sẽ rất tiếc nếu cháu không còn học môn Sử, vì những kiến thức môn này rất phong phú, bồi đắp kiến thức về lịch sử đất nước, quê hương, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước trong mỗi con người Việt Nam. Bản thân tôi nhận thức nếu có kiến thức Sử vững chắc khi ra ngoài cuộc sống sẽ tự tin hơn” – chị Đ.T.T nói./.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.