Thứ Bảy, 07/05/2022, 08:52 (GMT+7)
.

Chống "giặc dịch COVID-19" nhìn từ chiến thắng Điện Biên Phủ

Hiểu hơn về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, để thấy rõ trách nhiệm của mỗi người trong công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước, đặc biệt là trong cuộc chiến chống lại “giặc dịch” COVID-19.

a
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cách đây 67 năm, trên cánh đồng Mường Thanh, quân và dân ta đã lập nên một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam – Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Được sự giúp đỡ của Mỹ, Pháp đã tiến hành xây dựng nhanh chóng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Tổng số binh lực lúc cao nhất là 16.200 quân, gồm 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay (12 chiếc), 1 đại đội vận tải. Thực dân Pháp đã bố trí lực lượng ở Điện Biên Phủ với 49 cứ điểm đề kháng mạnh với 3 phân khu liên hoàn.

 Nhiều tướng lĩnh và chính khách Pháp, Mỹ  đã đến Điện Biên Phủ và tuyên bố đây là một pháo đài quân sự “bất khả xâm phạm”, một “con nhím” sẵn sàng nghiền nát bộ đội chủ lực của đối phương. Những người cầm đầu bộ máy chiến tranh của Pháp ở Đông Dương đã lấy Điện Biên Phủ làm nơi “thách đấu” với sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta.

Tuy nhiên, chẳng ai có thể ngờ rằng, chỉ sau 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ và anh dũng, ngày 7-5-1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, đã diệt và bắt sống hơn 16.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự của địch”. Kế hoạch Nava của thực dân Pháp đã bị phá hủy hoàn toàn.

Đáng chú ý, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quyết định thay đổi phương châm tác chiến (từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”) được coi là quyết định khó khăn nhất. Đây được coi là sự kiện kịch tính nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp, điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời chỉ huy của mình.

Quyết định đó thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân; đồng thời là biểu hiện của sự thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng”, thể hiện tính nhân văn của một vị tướng luôn biết đề cao vai trò tập thể, tôn trọng tập thể vì lợi ích chung.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ kéo dài trong 9 năm. Chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và toàn Đông Dương. Chiến thắng này góp phần đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ.

Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kết tinh về sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của người đứng đầu. Là sự hội tụ sức mạnh của quân và dân cả nước, sức mạnh của ý chí quật cường, tinh thần quật khởi toàn dân tộc. Nhưng trên hết, đó là thắng lợi của khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, là nguồn cổ vũ to lớn để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kế tục sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

a
Trong cuộc chiến chống COVID-19, tinh thần dân tộc lại một lần nữa được phát huy mạnh mẽ nhất. Ảnh: Quốc Tuấn

Từ những kết tinh của chiến thắng Điện Biên Phủ, nhìn lại cuộc chiến chống giặc dịch COVID-19 hiện nay, sự lãnh đạo tài tình, tinh thần dân tộc một lần nữa lại được phát huy một cách mạnh mẽ nhất.

Nói như vậy bởi trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng. Từ Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Pháp… cho đến  các nước thuộc ASEAN như Indonesia, Singapore, Campuchia, Thái Lan,… cũng đang gồng mình chống chọi với số ca nhiễm liên tục gia tăng nhanh chóng mà chưa có sự kiểm soát. Riêng Việt Nam, mặc dù đã trải qua 3 đợt dịch và lần này bùng phát dịch ở Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, Đà Nẵng,… là đợt thứ 4, nhưng chúng ta vẫn kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh.

Cụ thể, đó là sự lãnh đạo hiệu quả, quyết liệt và xuyên suốt nhiều cấp chính quyền, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho đến các địa phương. Điều đặc biệt của chúng ta là đã nắm bắt thời cơ, tích cực, chủ động lập ra kế hoạch phù hợp và thực hiện nó đúng với những gì đã dự đoán trước, trong mỗi giai đoạn.

Đó là chiến thuật xây dựng “thế trận lòng dân” ở các địa phương để quản lý, phát hiện kịp thời xuất nhập cảnh trái phép. Theo đó, nòng cốt là ngành y tế cùng với các lực lượng quân đội, công an triển khai các biện pháp cụ thể như: Duy trì các tổ dân phố, nhóm phòng chống dịch biên giới “đi từng ngõ gõ từng nhà” để kịp thời phát hiện khi có người lạ. Các khu vực đông người như bến xe, nhà hàng khách sạn cần có những cam kết trong phòng chống dịch bệnh, phát hiện tố giác người lạ...

Đó là tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, không ai bị bỏ lại phía sau, sự đồng lòng, đồng thuận, chung sức của nhân dân. Nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp quan tâm, chăm lo chu đáo vì sự an toàn của người dân, người lao động… Tất cả được đẩy lên thành cao trào và nó được ví như “nghệ thuật chiến tranh nhân dân”.

Có thể nói, không gì có thể chiến thắng nổi lòng dân, một khi lòng dân đã thuận thì mọi việc ắt sẽ thành công. Đoàn kết lòng dân thực sự rất cần lan tỏa giữa thời điểm cuộc chiến chống COVID-19 tiếp tục bước vào giai đoạn cam go, đầy khó khăn, thách thức.

Để rồi, sau 67 năm nhìn lại, chúng ta càng hiểu hơn về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, để thấy rõ trách nhiệm của mỗi người trong công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước, đặc biệt là trong cuộc chiến không khói súng chống lại “giặc dịch” mang tên COVID-19 này.

(Theo enternews.vn)

.
.
.