Chủ Nhật, 08/05/2022, 16:41 (GMT+7)
.

Vững vàng hành trình chinh phục

Chỉ ít ngày nữa ngọn lửa của đại hội sẽ bừng cháy trên đài lửa sân Mỹ Đình, thổi bùng khao khát chiến thắng của các VĐV Việt Nam, những người đã kiên trì tập luyện, giữ vững niềm tin suốt 3 năm qua, cùng người hâm mộ cả nước chống dịch để chờ một ngày được ra sân và giành chiến thắng cho quê hương, đất nước.

Người hâm mộ Việt Nam luôn đồng hành cùng sự lớn mạnh của thể thao nước nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Người hâm mộ Việt Nam luôn đồng hành cùng sự lớn mạnh của thể thao nước nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. Cánh phóng viên thể thao có thâm niên khi kể lại các câu chuyện ấn tượng về SEA Games, thường sẽ nhắc đến 2 kỳ đại hội các năm 2005 và 2007. Một lần, môn thể thao được quan tâm nhất là bóng đá bị “đày đọa” xuống tận đảo Bacolod (Philippines), nơi mà 5 đội bóng tranh một cái sân tập, còn sân vận động chính thì nằm sâu trong một cánh rừng. 

Còn năm 2007 là lần đầu tiên mà giới phóng viên cảm nhận được sự “mất giá” của đại hội thể thao lớn nhất khu vực. Kỳ đó, Thái Lan tổ chức SEA Games tại Nakhon Rachasima, một tỉnh thuần nông nghiệp, không phải là điểm đến của du lịch. Chính vì thế, ngoài các thành viên của những đoàn thể thao thì chẳng mấy ai biết được SEA Games đang diễn ra tại thời điểm đó. 

Tại các kỳ SEA Games này, nhiều địa điểm thi đấu được bố trí bên trong các siêu thị, trung tâm thương mại vắng người xem, ít nhiều cũng khiến các VĐV tranh tài cảm thấy mất động lực.

Nghĩa là gần 2 thập niên trước, SEA Games đã phai nhạt dần các giá trị cốt lõi đối với một số quốc gia đăng cai. Những mục tiêu như giao lưu văn hóa, kích cầu du lịch, hay thúc đẩy nền kinh tế vĩ mô hiện không còn là trọng tâm của các quốc gia đăng cai. Ở các kỳ SEA Games gần đây, chỉ có năm 2015 khi Singapore đăng cai nhân dịp kỷ niệm 50 năm lập quốc, thì mới có những hoạt động đầu tư lớn cho công tác đăng cai. 

Công bằng mà nói, với tuổi đời hơn 70 năm thì SEA Games không thể giữ mãi sự hấp dẫn và mang nhiều kỳ vọng như trước. Các mục tiêu quan trọng nhất cũng đã được SEA Games hoàn thành xuất sắc trong giai đoạn 1991 - 2011 với sự lớn mạnh của thể thao Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh hấp dẫn về thành tích cũng như sự tham gia của Timor Leste để trọn vẹn 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Chiến thắng trong ngày khởi tranh môn bóng đá nam của đội tuyển U23 Việt Nam sẽ khích lệ tinh thần thi đấu cho đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 31. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chiến thắng trong ngày khởi tranh môn bóng đá nam của đội tuyển U23 Việt Nam sẽ khích lệ tinh thần thi đấu cho đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 31. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

2. Một chút đánh giá như vậy để thấy những nét đặc biệt của SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện này vẫn được chờ đợi và bảo đảm có một vị trí quan trọng, không chỉ với thể thao mà còn cả du lịch, văn hóa nên nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ. SEA Games vẫn thu hút mối quan tâm của hàng triệu người hâm mộ, vẫn là một cơ hội để tiếp cận khách hàng của phần lớn doanh nghiệp nội địa trong gần một tháng. Trong bối cảnh của một Việt Nam mở cửa hậu Covid-19, thì vị thế của SEA Games lại càng được nâng cao.

Nguyên nhân quan trọng nhất, đến từ khao khát chinh phục của làng thể thao Việt Nam. Kể từ lần đầu hòa nhập thể thao khu vực tại SEA Games 1989 đến nay, thể thao Việt Nam đã tiến những bước rất dài nhưng khao khát vươn đến đỉnh cao thì vẫn như ngày đầu. 

Còn nhớ, từ tấm HCV đầu tiên trên đường chạy điền kinh của Vũ Bích Hường năm 1995, chúng ta chỉ mất có 10 năm để xuất hiện một “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương, và cũng chỉ 10 năm sau đã trở thành cường quốc điền kinh của khu vực trước khi vượt qua Thái Lan ở 2 kỳ SEA Games gần nhất. 

Hoặc như trên đường đua xanh, đến năm 2001 mới có tấm huy chương đầu tiên của Trần Xuân Hiền (HCB), năm 2005 có HCV đầu tiên của Nguyễn Hữu Việt, thì chỉ mất một thập niên để bơi lội Việt Nam nằm trong tốp 3 khu vực và có một trong những huyền thoại của SEA Games là Nguyễn Thị Ánh Viên. Từ chỗ chỉ mạnh ở các môn bắn súng và võ thuật, hiện thể thao Việt Nam đã đứng đầu nhiều môn thể thao Olympic. Đó chính là điểm tựa để hướng đến đỉnh cao châu Á và quen dần với đấu trường Olympic vĩ đại.

3. Lên đỉnh đã khó, giữ được vị thế đứng đầu còn khó hơn. Nếu như 19 năm trước, ở lần đầu tiên đăng cai SEA Games, thể thao Việt Nam đã vươn đến ngôi số 1 toàn đoàn để từ đó khẳng định vị trí trong tốp 3 khu vực, tranh đua cùng Thái Lan và Indonesia, thì SEA Games 31 được xem là cột mốc mang tầm chiến lược của chúng ta. Giành ngôi số 1 là chuyện đương nhiên, quan trọng hơn là kể từ đây, chúng ta sẽ chính thức thách thức vị trí số 1 tại khu vực của Thái Lan.

Tại SEA Games 30 diễn ra ở Philippines, chúng ta đã đứng trên họ ở bảng tổng sắp, và có thể SEA Games 31 sẽ là lần thứ 2 liên tiếp. Đây là điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1993 đến nay, bởi điều đó cũng đồng nghĩa Thái Lan không còn là nền thể thao mạnh nhất Đông Nam Á.

Chỉ ít ngày nữa ngọn lửa của đại hội sẽ bừng cháy trên đài lửa sân Mỹ Đình, thổi bùng khao khát chiến thắng của các VĐV Việt Nam, những người đã kiên trì tập luyện, giữ vững niềm tin suốt 3 năm qua, cùng người hâm mộ cả nước chống dịch để chờ một ngày được ra sân và giành chiến thắng cho quê hương, đất nước.

(Theo sggp.org.vn)

 

.
.
.