Thứ Năm, 30/06/2022, 14:40 (GMT+7)
.

Tham nhũng nhìn từ vấn đề con người và thể chế

(ABO) Nếu nhìn rộng hơn thì sự tu dưỡng của mỗi cán bộ, đảng viên là mấu chốt quan trọng, chính sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về chính tri, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, cả những cán bộ cấp cao là nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

a
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ảnh: nhandan.vn

Hôm nay (30-6), Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (2012 - 2022). Đây là một hội nghị có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy chính trị của Đảng ta.

10 năm qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng đã có những chuyển biến rõ nét, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Tuy nhiên, vấn nạn tham nhũng vẫn còn đó với tính chất nghiệm trọng hơn, thủ đoạn tinh vi hơn, có hệ thống hơn; nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật, không ít trong số đó phải xử lý hình sự. Tất cả cho thấy đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến lâu dài, ngoài kiên quyết còn phải kiên trì.

a
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: nhandan.vn

Tuy nhiên, quyết tâm thôi vẫn chưa đủ, mà phải làm sao để việc phòng ngừa tốt hơn nữa, chứ không để xảy ra tham nhũng rồi xử lý. Do đó, cần tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế, tạo hành lang chính trị, pháp lý chặt chẽ để những ai có muốn cũng không thể tham nhũng, được như thế thì việc phòng ngừa mới hiệu quả.

Ngoài việc hoàn thiện thể chế, thì vấn đề cốt lõi trong cuộc đấu tranh này vẫn là yếu tố con người, là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Làm thế nào để giáo dục sự liêm chính cho cán bộ, đảng viên, làm thế nào để hình thành văn hóa “nói không với tham nhũng” “trọng danh dự, liêm sĩ” cho cán bộ; nói như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: “Danh dự mới là đều thiêng liêng, cao quý nhất”.

a
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: nhandan.vn

Và như thế rõ ràng công tác cán bộ, khâu chọn người giao việc là rất quan trọng; từ những sai phạm của cán bộ, đảng viên thời gian qua, đây là vấn đề thực tế cần nhìn nhận, đánh giá để có quyết tâm đổi mới về nhận thức và hành động từ khâu quy hoạch, chọn lựa, bố trí đến giáo dục, quản lý, kiểm tra, giám sát, nhất là với các cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý.

Về vấn đề này, nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: Phải có con mắt tinh đời để không “trông gà hóa cuốc” đừng “tưởng đỏ mà chín”. Những sai phạm, tiêu cực của cán bộ, đảng viên thời gian qua là một thực tế đau lòng, là một bài học quý giá mang tính thời sự cho công tác cán bộ trong tình hình hiện nay.

Nếu nhìn rộng hơn, thì sự tu dưỡng của mỗi cán bộ, đảng viên là yếu tố quan trọng, chính sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về chính tri, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, cả những cán bộ cấp cao là nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Cho nên việc tự tu dưỡng, tự soi, tự sửa để tự vượt lên chính mình, vượt qua những cám dỗ đời thường mới là điều quan trọng nhất.

LÊ TRƯỜNG AN



 

.
.
.