.

Viết tiếp câu chuyện ĐBSCL

Cập nhật: 18:59, 21/06/2022 (GMT+7)

(ABO) Hội nghị "Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030” diễn ra ngày 21-6 đã mở ra chương mới cho ĐBSCL. Bởi theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn lực đầu tư cho ĐBSCL khoảng 460.000 tỷ đồng để quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đây là thông tin quan trọng cho cả khu vực vốn đã được xem là vùng trũng trong nhiều yếu tố, trong đó có thu hút đầu tư. Thông tin này cũng viết tiếp câu chuyện tương lai của ĐBSCL đã và đang được bàn thảo trong nhiều diễn đàn vừa qua.

Nhìn một cách tổng thể, với số vốn được bố trí như trên, các bộ, ngành dự kiến sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng, như các tuyến đường bộ cao tốc (Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), các tuyến đường quốc lộ; toàn bộ tuyến đường ven biển; một số trục động lực quan trọng kết nối với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ; cảng hàng không; các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn…

Với nguồn lực đầu tư lớn, vùng ĐBSCL hứa hẹn sẽ thay đổi nhanh chóng.
Với nguồn lực đầu tư lớn, vùng ĐBSCL hứa hẹn sẽ thay đổi nhanh chóng. Ảnh: MINH THÀNH.

Nhiều năm qua, ĐBSCL, không chỉ được xem là vựa lúa của cả nước mà còn mang lại rất nhiều lợi thế to lớn khác. Song, bức tranh đồng bằng còn quá nhiều gam màu sáng tối. Từ đó, đời sống của người dân còn không ít khó khăn, sinh kế bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố tác động.

Biến đổi khí hậu, hạn mặn và bài toán giải quyết lao động trở thành những điểm khó khi chưa có lời giải hữu hiệu. Nhìn dòng người đổ xô về đồng bằng trong đại dịch Covid-19 diễn ra trong năm 2021 mới thấy công cuộc mưu sinh đầy khó khăn của không ít hộ dân đồng bằng. Bằng nhiều nỗ lực, người dân đồng bằng đã có nhiều cố gắng để vươn lên nhưng muốn thay đổi nhanh vẫn cần động lực lớn từ sự đầu tư của Nhà nước.

Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa XIII “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng đã nhấn mạnh, vùng ĐBSCL thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là “Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc”, cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn, tiềm năng, lợi thế to lớn, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển của vùng và cả nước trong thời kỳ mới.

Viết tiếp trang sử mới cho ĐBSCL, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistics, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch với vùng vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước ở vùng ĐBSCL.

Câu chuyện tương lai của ĐBSCL chắc chắn còn nhiều việc phải bàn, nhưng dẫu sao với việc tập trung nguồn lực đầu tư của Trung ương và nỗ lực không ngừng của từng địa phương sẽ là cơ cơ hội “vàng” đưa vùng đồng bằng châu thổ, với nhiều tiềm năng, cất cánh.

TA

.
.
.