Thứ Năm, 28/07/2022, 21:14 (GMT+7)
.

Giá xăng giảm, sao giá hàng hóa vẫn tăng?

Những nỗ lực giảm giá xăng dầu của Chính phủ vẫn chưa thực sự ngấm đến hàng hóa ngoài thị trường và bán lẻ truyền thống.

a
Giá cả hàng hóa vẫn tạo áp lực lên đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp dù giá xăng dầu đã giảm sâu 2 phiên liên tiếp - Ảnh minh họa

Cứ mỗi lần giá xăng dầu tăng, đôi khi chỉ tăng nhẹ, nhưng nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng giá ngay lập tức. Đó là quy luật tất yếu của thị trường, bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, khi xăng dầu tăng thì hàng hóa bán lẻ sẽ tăng theo.

Nhưng dù giá xăng dầu những ngày qua đã liên tiếp giảm sâu, giá rau củ, thịt cá không hề giảm, thậm chí còn nhích tăng. Điều này phần nào gây “ức chế” trong dư luận. Có điều, chuyện này chắng phải mới mẻ vì từ trước đến nay, giá cả đã tăng thì còn lâu mới… xuống.

Chẳng hạn, theo khảo sát tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội thì giá bán lẻ thịt heo dao động trong khoảng 100.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại. Thịt bò dao động từ khoảng 240.000 - 300.000 đồng tùy loại. Thịt gà công nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức 60.000 - 80.000 đồng tùy loại, gà ta nguyên lông khoảng 120.000 - 150.000 đồng/kg. Cá điêu hồng vẫn giữ giá 60.000 - 70.000 đồng/kg... Rau cải xanh tới 25.000 đồng/kg.

Thực tế, chuyện xăng tăng, giá cả tăng, xăng giảm giá không giảm, âu cũng là điều dễ hiểu, vì tâm lý của người tiêu dùng đã chấp nhận mặt bằng giá mới và hoàn toàn phụ thuộc vào các tiểu thương, tư thương kinh doanh tại các chợ truyền thống.

Còn phía doanh nghiệp, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng viện dẫn việc doanh nghiệp đã phải bù lỗ quá nhiều ngày khi giá xăng dầu liên tục leo thang từ đầu năm đến nay, do vậy việc giảm giá dịch vụ là chưa thể. TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói: “Khi nhiều mặt hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới thì việc giảm giá sau khi xăng dầu hạ nhiệt là khó”.

Còn dưới góc nhìn của chuyên gia, chuyên gia kinh tế  Đinh Trọng Thịnh  cho rằng: “Giá hàng loạt mặt hàng tăng mạnh thời gian vừa qua là quy luật cung cầu của thị trường. Theo đó, các mặt hàng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh tăng giá như nhân công, xăng dầu, logistic kéo hàng hóa đắt đỏ lên là điều dễ”.

a
Theo các chuyên gia, giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng xăng dầu - Ảnh minh họa

Ngoài ra, nguyên nhân khác ảnh hưởng đến việc điều chỉnh giá cả các mặt hàng hiện nay là câu hỏi xăng giảm có mang tính bền vững, ổn định hay không, hay chỉ giảm một thời gian ngắn rồi lại tiếp tục tăng. Do đó, phần lớn người bán và kể cả doanh nghiệp cũng chần chừ điều chỉnh sản phẩm, hàng hóa.

Tức là, đang có một số mặt hàng tự do hiện đang không theo quy luật thị trường vì người kinh doanh càng giữ được giá cao thì lợi nhuận càng cao. Đây là một nghịch lý, vì chuyện tăng giá kiểu “tát nước theo xăng” dường như là thói quen xấu của người Việt, trong khi việc giảm giá lại phải xuất phát từ lợi ích nên doanh nghiệp, tiểu thương thường ít khi chủ động.

Chính vì thế, đã đến lúc cần sự vào cuộc của Tổng cục quản lý thị trường và Cục Quản lý giá, nếu các mặt hàng có điều kiện giảm giá mà vẫn bảo thủ không chiụ điều chỉnh.

Có thể nói, giá xăng dầu tăng liên tục làm gia tăng áp lực lên đời sống người dân và hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp sử dụng trực tiếp xăng dầu, chưa kể còn đẩy nhanh tốc độ lạm phát của đất nước.

 Nhiều bài toán giảm thuế bảo vệ môi trường, thậm chí đang có kịch bản giảm luôn cả các loại thuế xăng dầu khác cũng đã được tính toán. Bên cạnh đó, Quỹ bình ổn giá cũng hoạt động liên tục để kéo giảm giá xăng dầu giúp người dân.

Công bằng mà nói việc kìm giá, giảm giá xăng dầu trong thời gian qua là một nỗ lực rất lớn của nhà nước. Và cũng đã có những tín hiệu rất tích cực từ những nố lực này. Nhưng thực tế, giảm thuế không thể giải quyết tận gốc vấn đề giá xăng dầu đang tăng cao. Chúng ta cũng cần nhiều giải pháp hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở việc giảm thuế.

Hơn nữa, cần nhìn đúng bản chất, đúng thực tế thì giá xăng dầu sẽ ngày càng tăng, chứ không có chuyện giảm. Bởi đây là nguồn tài nguyên sẽ cạn kiệt dần theo thời gian, khi cung không đủ cầu thì giá tăng là quy luật tất yếu. Dù có chiến tranh hay không thì xăng dầu vẫn thuận theo cơ chế thị trường mà tăng giá.

Thay vì nghĩ cách cắt giảm thuế thì mỗi người Việt nên thay đổi tư duy về xăng dầu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông bằng điện. Song song đó là việc đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh.

Đó mới chính là giải pháp lâu dài và hữu hiệu góp phần đảm bảo nguồn cung và giảm chi phí cho loại nhiên liệu đắt đỏ như xăng dầu.

(Theo enternews.vn)
 

.
.
.