Duy trì thành quả phòng, chống dịch
Cuối tuần qua, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra thông điệp lạc quan khi nêu thống kê về số ca tử vong trên toàn cầu thấp nhất kể từ khi WHO công bố Covid-19 là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp có quan ngại quốc tế (tháng 3-2020).
Dù đưa ra thông điệp rất lạc quan nhưng người đứng đầu WHO cũng yêu cầu ngành y tế các nước nỗ lực phòng chống dịch hơn nữa. Điều này cũng giống như một vận động viên chạy marathon, khi đã thấy vạch đến thì điều quan trọng là phải nỗ lực hơn nữa để về đích chứ không phải chạy chậm lại để nghỉ ngơi.
Đến thời điểm này, đại dịch Covid-19 đã gây ra hơn 6,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, Covid-19 đã gây ra 43.000 ca tử vong, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân và kinh tế đất nước. Từ tháng 5-2022, số ca tử vong chỉ còn không quá 2 ca mỗi tuần. Đó là dấu hiệu rất lạc quan về khía cạnh y tế và gợi ý chúng ta có thể dần dần xem Covid-19 như là bệnh lưu hành, có thể trở về cuộc sống bình thường, mở cửa giao lưu quốc tế, tăng cường các hoạt động sản xuất, dịch vụ, thương mại.
Tuy nhiên, việc chuyển Covid-19 từ bệnh gây đại dịch sang bệnh lưu hành, không có nghĩa là chúng ta có thể quên lãng Covid-19, chấm dứt các hoạt động phòng chống dịch và tiêm chủng, mà ngược lại, chúng ta cần phải tích cực phòng chống dịch nhiều hơn nữa.
Nhờ các nỗ lực phòng chống dịch trước đây, các bước còn lại để khống chế đại dịch ở nước ta cũng nhẹ hơn trước, nguy cơ để dịch bùng phát cũng thấp hơn. Tuy nhiên, thành quả đạt được càng lớn thì việc duy trì thành quả lại càng quý giá. Để làm được điều đó, ngành y tế và người dân cần tiếp tục kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ xâm nhập và tái bùng phát dịch Covid-19. Điều cơ bản vẫn là giảm mức độ lưu hành của Covid-19, ưu tiên người có nguy cơ mắc Covid-19 diễn tiến nặng và người có nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp được tiêm chủng vaccine đầy đủ.
Song song đó là phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị kịp thời để giảm tử vong và biến chứng nặng cho người mắc bệnh. Các biện pháp nhằm khống chế dịch phải có sự tham gia của người dân, nhưng trách nhiệm truyền thông để người dân hiểu biết và tích cực tham gia phải từ nhà nước và ngành y tế. Hiện nay, nhiều người dân lơ là với các biện pháp đeo khẩu trang nơi đông người, vệ sinh tay và giữ gìn khoảng cách khi tiếp xúc cũng như tự cách ly khi có triệu chứng.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải làm nhiều việc để cải cách công tác điều trị Covid-19. Trước tiên, cần phải lồng ghép điều trị Covid-19 vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, bởi vì việc điều trị sớm ở tuyến cơ sở sẽ giúp phòng ngừa bệnh tiến triển nặng, giúp giảm tải cho hệ thống y tế.
Tiếp đó, đẩy mạnh công tác tiêm chủng; xét nghiệm để chẩn đoán sớm cũng như giám sát dịch tễ, phát hiện kịp thời các biến chủng mới và điều trị cho người mắc bệnh hướng đến mục tiêu giảm mức độ lưu hành của bệnh cũng như giảm gánh nặng bệnh tật cho xã hội và ngành y tế. Đồng thời, cảnh giác trước những thông tin sai lệch của dịch bệnh, của vaccine…
Định hướng và tập trung nguồn lực các công việc nêu trên là trách nhiệm của nhà nước và ngành y tế, nhưng chủ thể và người hưởng lợi cho các hoạt động này chính là người dân. Vì vậy, tạo điều kiện cho người dân tham gia và góp ý kiến là điều thiết yếu để thực hiện tốt nhất các biện pháp phòng Covid-19.
(Theo www.sggp.org.vn)
.