.

Sầu riêng mở đường chính ngạch

Cập nhật: 21:08, 18/09/2022 (GMT+7)

(ABO) Sự kiện lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sanh thị trường Trung Quốc vào ngày 17-9 mở ra một chương mới cho nông sản Việt Nam nói chung, sầu riêng nói riêng. Đây cũng là chuyến hàng xuất khẩu sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Đứng trước sự kiện này, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu sầu riêng Việt Nam.

Xuất khẩu chính ngạch sầu riêng mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt.
Xuất khẩu chính ngạch sầu riêng mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt.

Bởi theo GACC, từ ngày 12-7, các cửa khẩu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây sẽ thông quan nhập khẩu chính ngạch trái sầu riêng Việt Nam… Tuy nhiên, theo GACC, Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN-PTNT và GACC phê duyệt.

Bên cạnh đó, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng…

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, sầu riêng là một trong 7 loại trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang. Tiền Giang hiện có vùng chuyên canh sầu riêng với diện tích hơn 15.000 ha, với sản lượng 256.000 tấn; tập trung chủ yếu tại các huyện Cai Lậy (9.000 ha), thị xã Cai Lậy (2.200 ha), Cái Bè (2.800 ha)… với các giống sầu riêng được trồng phổ biến hiện nay là Ri6, Monthong.

Sầu riêng được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nhưng cũng đang chịu áp lực lớn ở khâu đầu ra, bởi có đến 80% lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và chủ yếu thông qua đường tiểu ngạch. Như vậy, với thỏa thuận GACC và thông qua lô sầu riêng xuất khẩu chính ngạch cho thấy, bức tranh mới của loại đặc sản này.

Nhiều loại nông sản khác sẽ được tiếp nối hành trình của sầu riêng.
Nhiều loại nông sản khác sẽ được tiếp nối hành trình của sầu riêng.

Để bắt kịp với xu hướng và thích ứng với GACC, ngành Nông nghiệp đã và đang tập trung hỗ trợ phát triển nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng sản phẩm trái cây, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, trong năm 2021, Sở NN-PTNT đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyệt 3 dự án chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trái cây trên các lĩnh vực xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng và thanh long giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.

Với các nội dung thực hiện hỗ trợ cho các tác nhân tham gia chuỗi như: Thực hiện chứng nhận VietGAP, cấp mã số vùng trồng, mã nhà sơ chế, áp dụng các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến, kiện toàn tổ chức kinh tế hợp tác và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sầu riêng theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ.

Đây là bước đi thích hợp để sầu riêng nói riêng, các loại trái cây đặc sản của Tiền Giang nói chung rộng cửa bước vào những thị trường lớn, Trung Quốc là một điển hình.

TA

.
.
.