Thứ Năm, 13/10/2022, 08:39 (GMT+7)
.

Làm giàu cho mình, gia đình và xã hội

Thời gian qua, nhất là trong những đợt cao điểm dịch Covid-19, có rất nhiều doanh nghiệp mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh vẫn không ngại ngần đóng góp sức người, sức của cho hoạt động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân. Để rồi sau dịch, họ lại nhanh chóng trở lại với hoạt động sản xuất, kinh doanh… Đó chính là những doanh nghiệp chân chính, không chỉ biết làm giàu cho mình, gia đình mình mà còn cho cả xã hội. 

a
Các doanh nhân tiêu biểu phòng chống dịch Covid-19

Phát biểu tại lễ tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 diễn ra sáng 12-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Một trong những chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.  Cách nay hơn 3 tháng, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 được tổ chức ở TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. 

Xây dựng và bảo vệ đất nước là nhiệm vụ chung của tất cả người dân Việt Nam, nhưng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là trách nhiệm chính của các doanh nhân Việt. Khẳng định trong Nghị quyết, nhắc lại trong các diễn đàn kinh tế, chứng tỏ đã có một sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng và Nhà nước với lực lượng doanh nhân. Sự tin tưởng này hoàn toàn có cơ sở khi số lượng và sự đóng góp của doanh nghiệp Việt trong phát triển kinh tế ngày càng lớn. Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã tạo dựng được niềm tin, thương hiệu tại thị trường trong nước và nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Ở chiều ngược lại, việc một số chủ doanh nghiệp bị bắt do có nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh, nhất là thời gian gần đây, cho cảm giác thất vọng về một bộ phận doanh nhân, doanh nghiệp Việt. Việc làm giàu của họ dựa trên những hành vi bất minh, bất chấp những tổn hại cho người dân và xã hội. Những doanh nhân, doanh nghiệp như vậy không nhiều, chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng với mức độ vi phạm theo ước tính của cơ quan chức năng như vụ bà Trương Mỹ Lan mới đây, là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn người với trị giá hàng ngàn tỷ đồng”, họ đang đẩy hàng vạn gia đình vào cảnh khốn khó. 

Cùng với chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ với nòng cốt là các doanh nhân Việt, người dân cũng mong muốn Nhà nước siết chặt kỷ cương, pháp luật hơn nữa; quản lý và xử phạt nghiêm những hành vi làm ăn gian dối, làm bài học răn đe cho những ai manh nha vi phạm pháp luật. Cùng với đó là mong muốn Nhà nước tạo mọi điều kiện tốt hơn cho doanh nhân hành động và doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp phát triển, nhiều người sẽ có việc làm, cuộc sống ổn định và Nhà nước sẽ có nguồn thu để đầu tư cho phát triển đất nước. 

Thời gian qua, nhất là trong những đợt cao điểm dịch Covid-19, có rất nhiều doanh nghiệp mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh vẫn không ngại ngần đóng góp sức người, sức của cho hoạt động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân. Để rồi sau dịch, họ lại nhanh chóng trở lại với hoạt động sản xuất, kinh doanh… Đó chính là những doanh nghiệp chân chính, không chỉ biết làm giàu cho mình, gia đình mình mà còn cho cả xã hội. Người dân rất mong đất nước ta càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp như thế!

Theo sggp.org.vn


 

 

.
.
.