Thứ Ba, 11/10/2022, 20:22 (GMT+7)
.

Nghĩ về trách nhiệm xã hội của doanh nhân

(ABO) Chia sẻ tại Hội nghị vinh danh các doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang do UBND tỉnh tổ chức nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam vào ngày 10-10 vừa qua, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng doanh nhân khác với trọc phú, bởi doanh nhân không chỉ làm giàu cho bản thân, doanh nghiệp, mà còn có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Đây cũng là triết lý kinh doanh của những doanh nhân chân chính. Đối với doanh nhân Việt Nam, triết lý ấy còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc; bởi được thấm đẫm trong truyền thống dân tộc. Đất nước ta trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vết thương chiến tranh vẫn chưa hàn gắn, nhiều mảnh đời vẫn còn vất vả; đất nước còn lắm khó khăn, nên mục tiêu "dân giàu, nước mạnh" luôn là khát vọng cháy bỏng.

Để thực hiện khát vọng đất nước hùng cường vào năm 2045, phải bắt đầu từ việc làm sao cho dân giàu, muốn thế cần tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nhân Việt Nam làm giàu chân chính, tạo ra nhiều của cải cho xã hội, công ăn việc làm cho người lao động; làm sao để có thêm nhiều đại gia Việt Nam vươn tầm châu lục và thế giới.

a
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trao Bằng chứng nhận danh hiệu doanh nhân Tiền Giang tiêu biểu năm 2022. Ảnh: Minh Thành

Trong những lần gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Khác với các nước khác, ở nước ta phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Bởi vậy, doanh nhân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh không chỉ có ý chí, quyết tâm làm giàu chính đáng, mà đồng thời tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Đây chính là trách nhiệm xã hội của doanh nhân Việt và trên tinh thần ấy, những năm qua nhiều doanh nhân Việt Nam đã chung sức đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Đặc biệt, trong cơn đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nhân Việt Nam đã chia sẻ, đóng góp nhiều kinh tài, đồng hành cùng đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Còn hiện tại trong giai đoạn hậu Covid-19, cộng đồng doanh nhiệp đã năng động, vượt khó, phát huy tốt các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ để trở lại đường đua sản xuất, góp phần cho kết quả về kinh tế, xã hội rất khả quan trong 9 tháng năm 2022.

Giữa thế giới hội nhập và đầy biến động hiện nay, đất nước chỉ phát triển khi có sự ổn định chính trị và một nền kinh tế vững mạnh, tự chủ. Những đường lối, chủ trương linh động quyết đoán của Đảng, Nhà nước cũng hướng đến nền chính trị ổn định, một môi trường đầu tư tốt cho các doanh nhân có thể an tâm đầu tư, phát triển kinh tế.

Vì thế, các doanh nhân cần hiểu nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp chính từ một môi trường đầu tư có sự ổn định về chính trị. Từ đó, càng nhận rõ trách nhiệm của mình hơn với cộng đồng, xã hội. Trách nhiệm ấy thể hiện qua cái tâm của doanh nhân, xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim qua các hoạt động mang tính nhân văn được kết tinh và biểu hiện với cụm từ  "Văn hóa doanh nhân". Qua đó nhắc nhớ cho những doanh nhân Việt Nam về trách nhiệm với cộng đồng, xã hội trên bước đường làm giàu của chính mình.

VI THẢO



 

.
.
.