Chủ Nhật, 09/10/2022, 10:27 (GMT+7)
.

Phản ứng nhanh với những thông tin nhạy cảm về tài chính

(ABO) Đây không phải lần đầu xảy ra tin đồn tiêu cực về ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, qua các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý, hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn hoạt động ổn định, an toàn. Vì thế, người dân cần tỉnh táo trước những thông tin nhạy cảm về tài chính để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của mình.

a
Ảnh minh họa.

Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới; với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam tạo cơ hội cho tất cả thành phần tham gia đầu tư, kinh doanh làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng đất nước.

Trên bước đường đồng hành cùng đất nước thực hiện khát vọng vươn lên, bên cạnh những doanh nhân tậm tâm, làm ăn chân chính, vẫn có số người lợi dụng những khe hở của luật pháp để làm ăn gian dối, trục lợi bất minh. Thời gian qua, nhiều đại gia đã trả giá, vướng vòng lao lý cho những hành vi phạm pháp. Những thông tin truy tố, bắt giam các đại gia đã ít nhiều tác động đến thị trường chứng khoán, môi trường đầu tư và đời sống người dân.

Mới đây, khi Bộ Công an khởi tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 3 đồng phạm vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến việc phát hành mua bán trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông. Trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân xếp hàng rút tiền trước hạn, do có thông tin bà Lan liên quan đến hoạt động của SCB.

Trước sự việc này, ngày 8-10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có khuyến cáo người dân cần thận trọng với các tin đồn, không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cũng khẳng định với báo chí là sẽ có những biện pháp nhằm tiếp tục đảm bảo hoạt động liên tục và ổn định cho SCB; đồng thời, cũng sẽ có những giải pháp, chính sách theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại SCB.

a
Ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành SCB thông tin tại họp báo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Chiều ngày 8-10, tại buổi họp báo, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách SCB cho biết: Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB và bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, việc bà bị bắt không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của SCB và SCB cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền.

Ông Hoàng Minh Hoàn cũng cho biết thêm, tính đến ngày 30-9-2022, SCB có 4.132 cổ đông, trong đó có 7 cổ đông nước ngoài sở hữu 27,91% vốn điều lệ. Trong số 4.125 cổ đông trong nước, có 11 cổ đông tổ chức, chiếm 15,7% vốn điều lệ, các cổ đông còn lại nắm 56,1% vốn điều lệ. SCB đã lên phương án tăng cường lượng tồn quỹ tại các chi nhánh, tăng lượng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo nhu cầu thanh toán liên ngân hàng.

Việc người dân lo lắng xếp hàng để rút tiền gửi tại SCB là nhu cầu, hoạt động bình thường của người dân. Tuy nhiên, người dân cần cân nhắc trước những thông tin không chính thống, không quá hoang mang, bị tác động trước xu hướng đám đông, dẫn đến việc rút tiền gửi trước hạn, ảnh hưởng đến quyền lợi tài chính của mình. Bởi đây không phải lần đầu xảy ra tin đồn tiêu cực về ngành Ngân hàng.

Qua các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước, thời gian qua hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn hoạt động ổn định, an toàn. Vì thế, người dân cần tỉnh táo trước những thông tin nhạy cảm về tài chính để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của mình và góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Qua vụ việc cho thấy, Ngân hàng Nhà nước cùng các đơn vị liên quan đã phản ứng rất nhanh, kịp thời thông tin định hướng dư luận, góp phần ổn định tình hình, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

VI THẢO


 

.
.
Liên kết hữu ích
.