Chủ Nhật, 02/10/2022, 16:34 (GMT+7)
.

Siêu bão và bài học từ lửa nhiệt huyết, trách nhiệm trước dân

 Là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua, với cường độ tương đương với các cơn bão từng làm chết hàng trăm người, bão số 4 vừa quét qua một số tỉnh miền Trung nhưng đã không gây thiệt hại về người. Ở đây may mắn chỉ là một phần, mà quan trọng hơn là công tác dự báo, sự chủ động trong phòng chống và tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân.

a
Người già yếu được lực lượng chức năng giúp đỡ đưa đi trú bão

"Rồi người ta sẽ quên Sangsane, sẽ quên Damrey, sẽ quên Ketsana, nhưng Noru thì không! Nó sẽ là cơn bão lịch sử về sức mạnh, về cấp độ lớn nhất từng đổ bộ vào Việt Nam", đây là dòng trạng thái (status) được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội với nhiều bình luận cầu nguyện bình an cho khúc ruột miền Trung nơi cơn bão tràn qua.

Nhưng thực tế, bão đã không để lại dấu ấn lịch sử về thiệt hại. Không ít người ngỡ ngàng, cho rằng chúng ta đã may mắn trước mẹ thiên nhiên. Trước khi nói về may mắn, hãy nói về công tác dự báo tốt, nói về công tác chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống bão, về ý thức trách nhiệm của các cấp, sự đồng lòng của nhân dân.

Với lịch sử "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa", sự may mắn đó không phải tự nhiên mà có. Nhìn lại cơn bão số 4 thì chính sự chủ động của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương và trên hết là ý thức thường trực trước thiên tai, thảm họa của mỗi người dân đã khiến cho mọi rủi ro trở nên giảm nhẹ, mọi thiệt hại được hạn chế đi rất nhiều lần.

Ngay từ khi bão có tên quốc tế Noru mới hình thành ngoài khơi đảo quốc Philippines, còn cách xa Biển Đông, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đã họp trực tuyến với 16 địa phương ven biển (chiều 25/9) để bàn cách ứng phó bão. Ít phút sau cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện khẩn về phòng chống cơn bão mạnh cấp 15, giật cấp 17 này. Liên tiếp sau đó, bám sát diễn biến của bão, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hàng loạt cuộc họp trực tuyến với các địa phương, cũng như ban hành các công điện chỉ đạo công tác phòng chống bão. Thủ tướng đã nhiều lần nhắc lại tinh thần: Tính mạng, an toàn của người dân là trên hết, trước hết.

Với tinh thần đó, các bộ, ngành, địa phương tích cực vào cuộc, lên phương án, sẵn sàng sơ tán 860.000 dân. Hơn 53.000 cán bộ chiến sĩ thuộc biên chế Quân khu 5 cùng xe đặc chủng, xe lội nước được huy động tham gia giúp dân chống bão. Hàng nghìn cán bộ công an, dân quân tự vệ của các tỉnh, thành miền Trung đã tham gia hỗ trợ, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Họ chấp nhận đi vào tâm bão với việc sẵn sàng hy sinh để bảo vệ an toàn cho nhân dân. Hình ảnh về 20 chiến sĩ Rào Trăng năm xưa lại hiện lên rõ nét hơn lúc nào hết.

Sự may mắn trước thiên tai được đánh đổi bởi mồ hôi, công sức của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Cẩn trọng suy tính từ những việc nhỏ như tuyên truyền cho người dân có nhận thức trú bão, không ra đường trong bão, biết tự bảo vệ mình, cả bộ máy chống bão tỏa ra mọi ngóc ngách để không có người dân đói cơm đứt bữa, tất cả phải lên bờ vào nơi an toàn, tuyệt đối không được nấn ná ở lại tàu khi bão đến.

Kiểm tra công tác ứng phó trước khi bão đổ bộ ít giờ đồng hồ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương, ra mệnh lệnh tất cả các phòng trực tuyến ở các địa phương trọng điểm đón bão phải mở cả đêm. Tư lệnh "chiến trường" đã điều hành xuyên đêm từ tâm bão (điểm cầu Thừa Thiên Huế), bởi "đến đây chống bão chứ không phải để ngủ". Liên tiếp thông tin đổ về "đại bản doanh", đường dây nóng hoạt động liên tục. Bão càng gần bờ thì nhiệt huyết, trách nhiệm, chủ động càng dâng cao. "Thủy, hỏa, đạo, tặc", một chút chủ quan trước đại họa sẽ phải trả giá đắt, nhất là khi đối diện với đại họa hàng đầu.

Sự quyết liệt, tận tâm từ các cấp chính quyền đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Như chia sẻ của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi đi kiểm tra hiện trường, "đến 5 giờ chiều, không còn một người dân ở trên đường". Không chỉ tuân thủ các chỉ đạo chống bão, người dân còn giúp đỡ nhau trước thiên tai. Người sống trong nhà cấp 4 thì sang ở nhờ nhà hàng xóm kiên cố hơn, có khách sạn dành hết cho bà con trú tránh.

Ứng phó với thiên tai, bảo đảm an toàn cho người dân – sự nỗ lực và quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đã đem lại kết quả, và đây cũng là bài học quý cho mai sau. Chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại ngay sau khi bão tan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu 6 bài học kinh nghiệm, được xem như cẩm nang "nằm lòng", kim chỉ nam cho việc ứng phó các cơn bão sau này.

Bão đã tan nhưng hoàn lưu bão vẫn còn gây nguy hiểm, mà trong lịch sử, có thể gây thiệt hại lớn hơn cả trong bão. Do đó, Thủ tướng tiếp tục ra công điện nhắc nhở (ngày 30/9) và tại phiên họp Chính phủ ngày 1/10, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước bão lũ, thiên tai, "có những việc phải cương quyết thì mới tránh được các sự cố, hạn chế tối đa thiệt hại, nhất là thiệt hại về người".

Nhất định không để hoàn lưu bão cuốn đi những kết quả có được, cuốn trôi công sức của biết bao người "lao tâm khổ tứ" ứng phó trước bão. Thành, bại đều trông vào sự trách nhiệm, sáng suốt, lửa nhiệt huyết của mỗi chúng ta, không để lung lay trước gió bão. Sau bão vẫn phải quyết liệt ứng phó hoàn lưu, không được phút giây nào ngừng, nghỉ, vì an toàn của mỗi người dân.

(Theo chinhphu.vn)

 

.
.
.