Chủ Nhật, 30/10/2022, 07:34 (GMT+7)
.

Triết học của đạo đức

Đạo đức là phạm trù vô cùng rộng lớn, được các nhà triết học bàn đến rất sớm trong lịch sử. Dần dà, cùng với tiến trình tiến hóa chung, nảy sinh phân nhánh “đạo đức kinh doanh”.

Đạo đức kinh doanh vốn rất cần thiết ở những quốc gia đang phát triển, chớm thoát ra trạng thái giao thời, cái mới chưa hoàn thiện, cái cũ chưa hoàn toàn biến mất.

Lập lờ hai khoảng tối - sáng giữa cơ chế bao cấp và cơ chế thị trường là mảnh đất lý tưởng mà không ít nhà kinh doanh lãng quên căn tính con người, vị lợi nhuận, vị vật chất. Vậy, dựa vào đâu để khơi dậy và trang bị cho đạo đức cùng “khởi nghiệp” và lớn lên cùng công cuộc phát triển?

Nho giáo quan điểm “quân tử cầu nghĩa, tiểu nhân cầu lợi”. Nghĩa có thể hiểu là đạo lý, trách nhiệm phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội, còn lợi là lợi ích vật chất vị bản. “Nghĩa vụ luận” trong triết học Kant cho rằng, hành vi đạo đức là hành vi đem lại lợi ích cho người khác.

Những triết gia khai sáng ở Tây Âu nhận thấy mối quan hệ hữu cơ giữa đạo đức và lợi ích, một khi lợi ích cá nhân đúng đắn, chừng mực thì đó là hành vi có đạo đức. Đây là quan điểm tiến bộ, được kế thừa và phát triển cho đến khi Marx, Engels tổng kết lại.

Marx đưa ra luận điểm: “Nếu như lợi ích đúng đắn là nguyên tắc của toàn bộ đạo đức thì do đó cần ra sức làm cho lợi ích riêng của con người cá biệt phù hợp với lợi ích của toàn thể loài người”. Đạo đức là hình thái ý thức xã hội, thuộc đời sống tinh thần - nảy mầm từ tồn tại xã hội, hoạt động vật chất. Đạo đức với lợi ích như hình và bóng. Nói cách khác, không thể xây đạo đức trên nền phi lợi ích. Như vậy, đạo đức là một trạng thái có điều kiện. Áp quan điểm này vào đời sống kinh tế, cho thấy gì?

Thứ nhất, cần có môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng,…sân chơi trong đó tất cả đều được tôn trọng, có trách nhiệm và nghĩa vụ như nhau. Được điều chỉnh bởi thể chế hạn chế tối đa kẽ hở. Được tham gia hoạt động kinh tế trong môi trường như vậy - chính là lợi ích, thế nên chủ thể buộc phát tiết nghĩa vụ tôn trọng và giữ gìn luật chơi. Khi tất cả tuân theo nguyên tắc, ắt hạn chế “đi đêm”, buôn gian bán lận. Ai phá bỏ luật chơi tự động ra khỏi đường ray.

Thứ hai, làm hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, lợi ích cá nhân, khi phù hợp với lợi ích xã hội thì trở thành một bộ phận của lợi ích xã hội; và trong trường hợp đó, hành vi thực hiện lợi ích cá nhân là chính đáng về mặt đạo đức. Thuế, phí chót vót; thủ tục hành chính rườm rà, tốn kém làm phương hại lợi ích cá nhân; thế thì làm sao đòi hỏi cá nhân không “lạng lách” làm tổn lại lợi ích cộng đồng?

Với triết học duy vật biện chứng, đạo đức không từ trên trời rơi xuống, nó vừa là nguyên nhân vừa là kết quả, vừa là bản chất, vừa là hiện tượng. Kêu gọi thực hành đạo đức không chỉ và không phải bằng lời nói.

Theo enternews.vn

.
.
.