Thứ Tư, 02/11/2022, 19:41 (GMT+7)
.

Không ai đánh người chạy lại!

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật (Thông báo số 20-TB/TW). Đây là một bước hoàn thiện thêm quy chế, quy chuẩn về công tác cán bộ, đáp ứng những đòi hỏi mới và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo đó, việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Cùng với một số văn bản, quy chế, quy định đã ban hành, Thông báo lần này cũng nhấn mạnh: Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Đáng chú ý, việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo định hướng, cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi, xin nghỉ công tác hoặc có nguyện vọng tiếp tục công tác thì "cấp có thẩm quyền xem xét, căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể".

Xuất phát từ thực tế đời sống, thời gian vừa qua, hàng loạt cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, mắc sai lầm, khuyết điểm đến mức phải xử lý kỷ luật. Trong đó, có không ít đồng chí bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách (chưa đến mức nghiêm trọng phải khai trừ ra khỏi Đảng, xử lý hình sự) và vẫn còn độ tuổi công tác, lao động. Vấn đề đặt ra là, bố trí nhiệm vụ cho các đồng chí này thế nào-thì tại Thông báo số 20 đã nói rõ "cấp có thẩm quyền… xem xét từng trường hợp cụ thể".

Lúc này, vai trò của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng là rất quan trọng, bởi không ai hiểu hơn khả năng và các vấn đề của cán bộ bằng chính đồng chí, đồng nghiệp nơi họ công tác. Đảng giao trách nhiệm ấy cho mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét trên cơ sở quy chế, quy định, nguyên tắc đã có là rất phù hợp.

Tuy nhiên, đưa vào thực thi ra sao cho được hài hòa, hợp lý, vừa mang tính răn đe vừa mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn lại là vấn đề phải làm từng bước, vừa áp dụng vừa tổng kết, rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai. Trước hết, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên từng mắc sai lầm, khuyết điểm cần tự nhận thức rõ vấn đề của mình, có ý chí vươn lên, nỗ lực tìm ra nguyên nhân và có phương pháp sửa chữa, khắc phục hậu quả. Tiếp đó, các cấp có thẩm quyền, dựa trên các nguyên tắc của Đảng, các quy chế, quy định nhưng khi "xem xét từng trường hợp cụ thể" cần khách quan, trung thực, nhân văn, tạo điều kiện cho đồng chí, đồng nghiệp mắc lỗi có thể sửa chữa và tiếp tục phấn đấu; tuyệt đối tránh trường hợp lợi dụng quyền hạn để trù dập, trả thù cá nhân, xử lý thiếu công bằng, chính trực.

Lúc này, vai trò giám sát, phản biện và giúp đỡ của cộng đồng là vô cùng quan trọng. Nhân dân ta vốn trọng nghĩa khí, yêu ghét rõ ràng, song cũng rất khoan dung, đại lượng, nhân văn như câu thành ngữ mà mỗi chúng ta đều thuộc nằm lòng: "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại"!

Theo nhandan.vn

 

.
.
.