Gần Tết nói chuyện… biếu quà Tết
Là một vấn đề không mới nhưng cứ vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề thì câu chuyện biếu, tặng quà Tết lãnh đạo, cấp trên lại làm “nóng” dư luận.
Tặng quà Tết vốn là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trước đây quà tết mang ý nghĩa tinh thần là chính, người ta biếu nhau món quà, giá trị vật chất không cao như chai rượu, hộp bánh, hộp mứt, con gà hoặc những sản vật mà mình tăng gia sản xuất được. Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại, mỹ tục này đã bị biến tướng, nhuốm màu thực dụng.
Ảnh minh hoạ. |
Cứ vào dịp cuối năm, các bộ ngành, cơ quan từ Trung ương đến địa phương lại ban hành những văn bản, chỉ thị nhằm ngăn chặn tình trạng biếu quà Tết cấp trên. Nạn biếu quà Tết với động cơ thiếu trong sáng đã phần nào dịu bớt, nhưng chưa chịu dứt hẳn. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, tình trạng này còn có thể diễn ra nhiều hơn, tinh vi hơn.
Có những người còn biếu tặng nhau những món quà tiền tỷ như những cây cảnh hàng chục tỷ đồng, hay những bức tượng được đúc bằng vàng trị giá nhiều tỷ đồng… Đó cũng là một hình thức hối lộ trá hình. Nếu bằng cái tâm, bằng tình cảm đặc biệt của mình với người mình yêu quý thì thiếu gì cách để thể hiện. Đâu phải chỉ vật chất trị giá càng cao mới thể hiện tình cảm càng lớn!
Nói như ông Phạm Văn Hòa (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) thì trước sức ép dư luận gần như không còn thấy xuất hiện cảnh nhiều người xếp hàng “rồng rắn” xe cộ, quà cáp lỉnh kỉnh đến cơ quan hay nhà riêng của cấp trên. Nhưng người ta lại tặng quà và nhận quà rất kín đáo. Thay vì tặng trực tiếp cho sếp, họ chọn cách đưa cho vợ, con, hoặc người thân của sếp.
Thời gian gần đây có một số vụ việc đã bị xử lý như trường hợp 2 cựu lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai, trong 14 lần nhận hối lộ lên tới hơn 14 tỷ đồng, chủ yếu nhận thông qua hình thức tặng quà Tết. Hay vụ việc 2 công chức nhận quà biếu Tết trị giá 55 triệu đồng ở Đà Nẵng năm ngoái cũng đã bị xử lý. Tuy nhiên tình trạng biếu tặng quà Tết cấp trên vẫn diễn ra dù xã hội lên án.
Ông Lê Như Tiến, ĐBQH khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nếu tình trạng biến tướng này không được ngăn chặn thì sẽ gây những hệ lụy khôn lường, đặc biệt đây sẽ là cơ hội, là “đất sống” cho tệ tham nhũng, hối lộ.
Thực tế cho thấy, chúng ta cũng không nên quá cực đoan về chuyện là có nên hay không nên biếu quà Tết cho cấp trên và biếu quà lẫn nhau. Bởi, quà Tết cũng như là quà bình thường trong những dịp trọng đại, đó là nét đẹp truyền thống, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam chúng ta. Nhưng vấn đề đáng lo ngại là sự biến tướng. Đó là hối lộ trá hình, nó biến cái đẹp của người Việt Nam thành những mưu đồ mang tính vụ lợi, thì chúng ta cần phê phán.
Và, chuyện quà tết đáng lên án ở đây là những món quà hối lộ trá hình. Tặng quà trong trường hợp này là cơ hội để người tặng trả ơn vì được nâng đỡ, hoặc giúp đỡ để có được dự án này, lợi lộc kia. Nếu không trả ơn thì cũng là dịp để người biếu tặng và người nhận mặc cả, hy vọng tới đây được nâng đỡ, được biết đến, được cất nhắc bổ nhiệm, hay có ý vụ lợi trong những thương vụ nào đó… Tất cả những động cơ như vậy không còn mang ý nghĩa tình cảm chân thành mà đều mang tính vụ lợi, trao đổi, mua bán.
Có thể nói, tình trạng biếu tặng quà tết có giảm đi hay không, quan trọng nhất vẫn nằm ở sự cương quyết và gương mẫu của chính lãnh đạo cấp trên. Càng cấp cao càng phải gương mẫu. Nếu quan chức lãnh đạo mà nghiêm túc và trong sáng, dứt khoát không nhận quà tết, thậm chí đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc với người đưa quà tết thì sẽ không còn vấn nạn này. Không có người nhận, ắt không có người biếu. Nếu làm được như vậy, nạn “phong bao, phong bì” sẽ được đẩy lùi và văn hóa quà Tết trở về với đúng nghĩa như nó vốn có.
Theo diendandoanhnghiep.vn