Tầm nhìn và thái độ hành động
HLV Park Hang-seo đang có những trận đấu cuối cùng trên cương vị HLV trưởng đội tuyển Việt Nam sau 5 năm gắn bó. Nhưng như ông nói trong buổi họp báo chia tay, không có cái gì gọi là kết thúc. Trong lịch sử AFF Cup, đội tuyển Việt Nam chỉ vào chung kết có 4 lần, và 2 trong số đó thuộc về “triều đại” của HLV Park Hang-seo.
Không một HLV nào so sánh được với nhà cầm quân người Hàn Quốc về mặt thành tích, nhưng dẫu thế, ông Park Hang-seo vẫn đang cố gắng thúc đẩy những cầu thủ của mình nỗ lực hơn, khao khát hơn, để đem về chức vô địch thứ ba cho Việt Nam.
Quyết tâm và sự chuyên nghiệp của HLV người Hàn Quốc thực sự là một biểu tượng. Đó là di sản còn quý giá hơn cả những chiến tích mà ông đem lại. Thành tích, suy cho cùng, cũng chỉ là những cột mốc mà người đi sau có thể vượt qua. Nhưng để làm được điều đó, quan trọng nhất vẫn là sự tận tụy và khao khát chinh phục không ngơi nghỉ.
Đó là công việc của một người làm nghề chuyên nghiệp. Còn làm lúc nào là còn cố gắng hết sức, sáng tạo hết sức, ham muốn hết sức. Ông Park vẫn cho thấy mình đang lắng nghe những lời góp ý từ dư luận về vấn đề nhân sự. Ông sẵn sàng thay đổi, miễn điều đó đem lại chiến thắng cho đội tuyển Việt Nam. Ông đang ở trạng thái không chịu quá nhiều sức ép, nhưng ông vẫn chấp nhận áp lực xung quanh mình thay vì tìm lý do nào đó để gạt bỏ nó.
Bóng đá Việt Nam đang có tầm nhìn World Cup 2030. Điều đó cho thấy khao khát phát triển của nền bóng đá vì trong chiến lược phát triển bóng đá được Chính phủ phê duyệt vào năm 2014, tầm nhìn 2030 của chúng ta chỉ là phấn đầu vào nhóm 10-15 đội đứng đầu châu Á mà thôi. Đặt ra một giấc mơ lớn như vậy, cũng là dựa trên năng lực hiện tại của đội tuyển Việt Nam hiện nay, khi chúng ta đang nằm trong nhóm 16 đội mạnh nhất châu lục.
Nhưng chính HLV Park Hang-seo từng trăn trở và đặt câu hỏi ngược lại với các nhà quản lý bóng đá Việt Nam: Hệ thống của chúng ta đủ tốt chưa? Kế hoạch đào tạo thế nào để thế hệ sau phải tốt hơn thế hệ trước, tiềm lực đầu tư thế nào?… Nói cách khác, tầm nhìn là một chuyện, quan trọng là hành động. Không thể nói suông mà cái chính cần phải có hành động kịp thời và nỗ lực không ngơi nghỉ, như cách ông Park đang làm ở AFF Cup.
Bóng đá Thái Lan chính là một bài học. Họ từng bỏ xa các đối thủ trong khu vực cách đây 5 năm khi lọt vào vòng đấu loại cuối cùng World Cup 2018 khu vực châu Á, nhưng chính họ bị Việt Nam vượt qua ở vòng loại World Cup 2022, để rồi bây giờ phải dùng chính trận chung kết AFF Cup 2022 này để đánh giá lại năng lực của mình.
Người Thái từng thuê nhiều HLV giỏi trên thế giới, có người cầm quân ở World Cup, có nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, có một giải vô địch mang tính chuyên nghiệp như giải ngoại hạng Anh, nhưng vẫn không thể thoát khỏi “bẫy trình độ trung bình”, một khái niệm xem như dành cho các đội bóng nằm ở các khu vực bóng đá chậm phát triển.
Bóng đá Việt Nam dù đang trội hơn về thành tích trong vài năm gần đây, nhưng nhiều yếu tố vẫn còn đi sau Thái Lan, nhất là tính chuyên nghiệp và mức độ đầu tư tập trung. Không thể ngày một, ngày hai tạo được sự nhảy vọt về trình độ dù vẫn tạo ra được những khoảnh khắc kỳ tích. Vì vậy, 5 năm của HLV Park Hang-seo, cho đến những ngày cuối cùng, đã chỉ ra cho chúng ta nhiều bài học quý. Đó là khả năng giữ ổn định chất lượng thành tích, kiên trì với hệ thống mà mình chọn lựa và làm việc theo cách chuyên nghiệp nhất, với quyết tâm cao nhất.
Theo sggp.org.vn