27 tháng 2 và bệnh viện 1.000 giường
Vào những ngày cuối tháng 2 này, cùng cả nước, nhân dân Tiền Giang hướng lòng tri ân về các y, bác sĩ nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Đặc biệt năm nay, với tỉnh nhà, niềm vui như nhân đôi khi Lễ kỷ niệm ngày 27-2 cũng là Lễ khánh thành Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang mới, có thể xem là bệnh viện có quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Đây thật sự là một bước ngoặt, một trang mới trong việc điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân của tỉnh Tiền Giang. Bởi thực tế, với một bệnh viện có tổng diện tích 23.000 m2, trong đó diện tích xây dựng hơn 19.000 m2, gồm một khu phức hợp với 4 khối chức năng, cao 10 tầng với 1.000 giường, kinh phí 2.350 tỷ đồng… thì chắc chắn môi trường, không gian, điều kiện để điều trị cho người dân sẽ tốt hơn rất nhiều.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cơ sở mới sẽ làm Lễ khánh thành vào ngày 25-2. |
Chúng ta đều biết hệ thống y tế của tỉnh về cơ sở vật chất phần lớn xây dựng đã lâu, xuống cấp, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh ngày càng cao, nhiều bệnh viện quá tải trầm trọng. Do đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang mới với trang thiết bị hiện đại, sẽ đáp ứng nguyện vọng nhân dân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, cải thiện và nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh nhân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là khu vực sông Tiền.
Việc có được một bệnh viện tầm khu vực với quy mô 1.000 giường là nỗ lực rất lớn của tỉnh Tiền Giang; bởi đây là dự án thuộc nhóm A, có quy mô cấp I nên nhiều nội dung thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương từ chủ trương đầu tư đến Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán đều do các cơ quan Trung ương thẩm định.
Cùng với ảnh hưởng của 2 năm dịch Covid-19, nên tiến độ triển khai xây dựng bệnh viện có chậm so với dự kiến. Nhưng cuối cùng, với quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, nỗ lực của các đơn vị thi công, cùng đội ngũ y, bác sĩ; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiến Giang cũng đã đưa vào khai thác đúng những ngày cuối tháng 2 đầy ý nghĩa.
Việc đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang mới thể hiện quyết tâm của Tỉnh ủy Tiền Giang trong việc hiện thực hóa chủ trương của Đảng ta về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; cũng như sự tri ân đối với những thầy thuốc, các “thiên thần áo trắng” trong việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân; bởi một điều kiện làm việc tốt nhất cho các thầy thuốc cũng là điều Đảng, Nhà nước luôn hướng tới.
Chúng ta hiểu rằng, nghề Y là một nghề khó khăn, vất vả, nó đòi hỏi cả y thuật lẫn y đức, phải có lòng yêu thương con người, phải có đức hy sinh. Đó là phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc. Thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn ác liệt của dịch Covid-19, có biết bao “thiên thần áo trắng” đã không quản khó khăn, thậm chí nguy hiểm cả tính mạng vẫn sẵn lòng lao vào tâm dịch chữa trị, chăm sóc, cứu sống người bệnh. Họ thật xứng đáng với câu “thầy thuốc như mẹ hiền”. Vì thế, trân quý, biết ơn những hy sinh của các y, bác sĩ là điều mà mỗi chúng ta đều hiểu, khắc ghi không riêng gì phải đến ngày 27-2.
Nhân sự kiện “niềm vui nhân đôi” của ngành Y tế Tiền Giang, xin gửi lời tri ân và kỳ vọng đến các “thiên thần áo trắng”: Kỳ vọng các y, bác sĩ tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Y, tận tâm với nghề, làm tốt thiên chức nghề nghiệp mà xã hội đã giao phó. Khai thác, sử dụng hiệu quả bệnh viện 1.000 giường để chăm sóc tốt hơn nữa sức khỏe cho người dân. Và cũng kỳ vọng sẽ có thêm những chủ trương, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người thầy thuốc có thể an tâm sống và cống hiến với cái nghề cao cả mà mình đã chọn.
DUY SƠN