Thứ Năm, 16/02/2023, 12:30 (GMT+7)
.

Ai kiểm soát AI?

Điều gây tò mò, thích thú khi ChatGPT ra đời là khả năng đối thoại thông suốt, dữ liệu tổng hợp khá chính xác. Các câu hỏi “xoáy” được ChatGPT giải đáp gần như tất cả, từ chuyện thiên văn vũ trụ, văn học, nghệ thuật cho đến chiến lược kinh doanh, marketing, logistics, tư vấn thuế đến cả chuyện “vợ luôn luôn đúng”...

ChatGPT vì thế cán mốc 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) này ra mắt, trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử thế giới.

Ông trùm công nghệ Google không thể đứng yên khi chứng kiến “kẻ hậu sinh” OpenAI thu hút sự quan tâm của thế giới bằng việc lật đật tung ra chatbot AI Bard. Tuy nhiên, ngay trong đoạn video ra mắt Bard, chatbot này đã đưa ra câu trả lời thiếu chính xác về “kính viễn vọng không gian James Webb”. Ngay lập tức, giá cổ phiếu của tập đoàn Alphabet (Google) giảm 9%, làm bốc hơi vốn hóa 100 tỷ USD của Google - gấp 10 lần khoản tiền mà đối thủ Microsoft đầu tư vào ChatGPT. Điều này cho thấy cuộc chiến AI đã bùng nổ thật sự, sẽ rất khốc liệt, khó kiểm soát và đó là cuộc chiến vượt xa trí tưởng tượng đương đại. Khi đó, sẽ có cuộc chiến giữa con người vật lý và AI. Câu hỏi sẽ là dai dẳng cho nhân loại: Ai kiểm soát được AI?

Vào tháng 1-2023, hãng truyền thông trực quan Getty Images (Mỹ) cảnh báo sẽ kiện công ty công nghệ Stability AI vì vận hành công cụ sao chép bất hợp pháp hàng triệu hình ảnh của hãng và các đối tác với mục đích kiếm lời. Đến ngày 6-2, hãng này chính thức khởi kiện và cho rằng có 12 triệu hình ảnh từ cơ sở dữ liệu bị sử dụng, vi phạm bản quyền lẫn quyền bảo vệ thương hiệu. Tương tự, hàng triệu tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ, nghệ sĩ cũng bị các công cụ AI Art xâm phạm trắng trợn, bất chấp. Công cụ AI có thể sáng tác những bức tranh, bức ảnh mới, quá đẹp, quá siêu tưởng, siêu thực từ nguồn dữ liệu đồ sộ đó mà không hề biết đã học được, sao chép, “ăn cắp” ở đâu. Công cụ AI khiến các nhà sáng tác, làm nghệ thuật bất an vì dù mất ăn, mất ngủ, bỏ hàng tháng, hàng năm trời tạo ra sản phẩm vẫn sẽ bị… mất giá vì không cạnh tranh được với AI khi nó cung cấp hàng trăm tác phẩm siêu thực chỉ trong 1 giờ.

ChatGPT (OpenAI) hay sau này là Bard (Google), Ernie Bot/Wenxin Yiyan (Baidu), Ding Talk (Alibaba)… có thể đưa ra nhiều câu trả lời, thậm chí viết những bài tham luận, luận văn dựa trên nền kiến thức khổng lồ được lưu trữ số hóa. Nhiều thông tin, giải pháp, khuyến nghị được AI đưa ra nhưng người ta không biết nguồn từ đâu, liệu có đáng tin cậy không, có xâm phạm bản quyền, đời tư cá nhân không… Chuyện vi phạm đạo đức trong sáng tác văn học, tác phẩm báo chí, nghiên cứu khoa học trước nay là vấn đề nhức nhối, nay lại càng khó phát hiện khi AI “xào nấu” bằng các thuật toán tinh vi, với kiến thức sâu rộng hơn.

Chính vì thế, thiết lập một hành lang pháp lý cho các nền tảng công nghệ, trong đó có AI, là việc các nhà lập pháp, nhà quản lý và chuyên gia công nghệ cần bắt tay vào thực hiện ngay. Mỗi lĩnh vực cần có quy định, quy chế riêng về bản quyền, thương hiệu, cách thức khai thác dữ liệu và chế tài nghiêm khắc đối với hành vi gian lận công nghệ, sao chép, xâm phạm lợi ích của cá nhân, đơn vị được pháp luật bảo vệ. Công nghệ đang phát triển vũ bão, cuộc cách mạng 4.0 thể hiện rất rõ qua siêu internet, Big Data, AI, robot, công nghệ nano, vật liệu mới… phục vụ hữu hiệu đời sống con người. Trí tuệ của máy móc do con người tạo ra và khác hẳn con người ở chỗ không thể có cảm xúc, tình cảm, sự từng trải, sức sáng tạo, sự linh cảm và phán đoán. Công nghệ không thay đổi được vị trí người thầy, sức sáng tạo của những nghệ sĩ, sự dấn thân của người làm báo hay đạo đức, liêm chính của người làm công tác khoa học. Do đó, trước khi kiểm soát được công nghệ, chính con người phải tự kiểm soát được bản thân, ý thức vai trò, trách nhiệm đối với cộng đồng, giữ gìn và phát triển xã hội lành mạnh, vị nhân sinh.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.