Đề phòng lừa đảo liên quan ChatGPT
Kể từ thời điểm chính thức ra mắt vào 30/11/2022 đến nay, công cụ chatbot siêu trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT đã tạo nên một hiện tượng thu hút mối quan tâm đông đảo của người dân trong lịch sử ngành công nghệ trên thế giới. Dù mới chỉ phát hành ở một số quốc gia nhưng chỉ sau hơn hai tháng hoạt động, ChatGPT đã có hơn 100 triệu người sử dụng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Sức nóng của ChatGPT nhanh chóng lan đến Việt Nam. Trên báo chí truyền thông chính thống cũng như mạng xã hội, chủ đề về ChatGPT thu hút nhiều ý kiến trao đổi, bàn luận sôi nổi.
Dịch vụ mua bán tài khoản ChatGPT nở rộ trên mạng xã hội trong suốt những ngày qua. |
Đặc biệt, dù không nằm trong số các quốc gia mà ChatGPT phát triển sản phẩm do đó dịch vụ này chưa hỗ trợ số điện thoại và IP tại Việt Nam, tuy nhiên bằng nhiều cách khác nhau một số cư dân mạng ở Việt Nam đã có được tài khoản và có thể thực hiện nhiều giao dịch trên ứng dụng này. Từ đây khiến cho dịch vụ mua bán tài khoản ChatGPT nở rộ trên mạng xã hội trong suốt những ngày qua.
Nắm bắt được tâm lý người sử dụng, những đối tượng chuyên lừa đảo lập tức xác định đây là "miếng mồi ngon" để thu lợi. Không khó để bắt gặp những lời mời chào như: "Nhận đăng ký tài khoản ChatGPT mail chính chủ giá phải chăng" xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội.
Nhiều người vì quá nóng lòng được sở hữu và trải nghiệm ứng dụng mới mẻ này nên đã vội vã liên hệ với những đối tượng nhận môi giới, tạo tài khoản ChatGPT với mức giá chào bán phổ biến từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng.
Tuy nhiên, do phải khởi tạo tài khoản từ máy chủ ở nước ngoài nên việc mở các tài khoản mới cho các khách hàng tại Việt Nam đang gặp nhiều hạn chế. Với số tiền tuy không lớn, nhiều khách hàng chỉ nhận lại những tài khoản đã tạo sẵn dành cho nhiều người dùng nên thường xuyên quá tải, không thể sử dụng được. Có khách hàng tuy được sở hữu tài khoản ChatGPT riêng theo địa chỉ email mình cung cấp, nhưng lại đứng trước nguy cơ bị lộ lọt thông tin cá nhân, hậu quả do đó rất khó lường.
Sự phát triển quá nóng của ChatGPT khiến các hình thức lừa đảo ăn theo ứng dụng này cũng nở rộ. |
Sự phát triển quá nóng của ChatGPT khiến các hình thức lừa đảo ăn theo ứng dụng này cũng nở rộ. Cụ thể, dù chỉ hỗ trợ trên web mà chưa có hỗ trợ trên điện thoại nhưng hiện nay, ChatGPT giả đã xuất hiện ngập tràn các nền tảng di động, tại các cửa hàng trực tuyến lớn như App Store, Google Play...
Tìm kiếm nhanh trên App Store có thể bắt gặp các ứng dụng với tên gọi: AI Chat for GPT, AI Chatbot-Smart assistant, Potket AI ChatBOT Chat AI Tools, Open Chat GPT AI Bot…
Ứng dụng "ChatGPT Chat GPT AI With GPT-3" thậm chí còn giới thiệu đây là ứng dụng chính thức dành cho bot ChatGPT, tuy nhiên từ các thông tin trên thực tế không có bằng chứng nào cho thấy sự liên kết giữa ứng dụng này với OpenAI - đơn vị phát triển ra sản phẩm ChatGPT. Và khác với OpenAI đang cho người dùng sử dụng ChatGPT miễn phí thì ứng dụng này đang thu phí 7,99 USD một tuần cho dịch vụ chatbot hoặc 50 USD cho thuê bao một năm.
Trước tình trạng nêu trên, các nhà cung cấp các nền tảng trực tuyến đã vào cuộc để loại bỏ ứng dụng rác. Cụ thể ngày 10/1, Apple đã xóa phần mềm ChatGPT Chat GPT AI With GPT-3 sau khi ứng dụng này đạt hàng trăm nghìn lượt tải. Tương tự, ngày 2/2, ứng dụng có tên ChatGPT (All Languages) đã bị xóa khỏi Google Play.
Chứng kiến "cơn sốt" ChatGPT, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo cộng đồng về việc đối tượng xấu có thể lợi dụng tình trạng này để tấn công người dùng thông qua việc dụ dỗ họ tải phần mềm giả mạo, lừa đăng ký thuê bao hoặc chèn mã độc đánh cắp thông tin.
Sự quan tâm, hào hứng của cộng đồng với ChatGPT là điều có thể chia sẻ và thông cảm. Tuy nhiên, ChatGPT cũng đang trong quá trình thử nghiệm, bên cạnh những sự ưu việt trong việc hỗ trợ người dùng cho các mục đích khác nhau thì ứng dụng này cũng đang bộc lộ không ít những khiếm khuyết, bất cập. Chính vì vậy, người sử dụng cũng cần thận trọng, tỉnh táo trong việc sử dụng, đồng thời cảnh giác để không sập bẫy lừa đảo để rồi "tiền mất, tật mang".
(Theo nhandan.vn)