Thứ Năm, 09/02/2023, 10:59 (GMT+7)
.

Khi ngân hàng lãi khủng

Theo thông tin mới nhất vừa được các ngân hàng thương mại công bố, trong năm 2022 mặc dù tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại bị ảnh hưởng do cạn room (hạn mức) tín dụng nhưng nhiều đơn vị vẫn đạt lợi nhuận trị giá hàng tỷ USD.

Cụ thể, Vietcombank đạt mức lợi nhuận trước thuế hơn 37.358 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021. BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 23.057 tỷ đồng, tăng 70,2% so với năm trước. VietinBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 21.113 tỷ đồng, cao hơn 20% so với năm 2021.

Không chỉ các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước có mức lợi nhuận cao mà nhiều NHTM tư nhân cũng tham gia vào câu lạc bộ lợi nhuận tỷ USD. Techcombank đạt mức lợi nhuận 25.568 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021. VPB có mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất tăng 48% so với năm trước. MB cũng có lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2021. Theo các ngân hàng, lợi nhuận này chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng, dịch vụ và bảo hiểm.

Trước hết, phải khẳng định, đây là tin vui. Bởi lẽ ngân hàng là nơi cung cấp nguồn tài chính chủ yếu cho nền kinh tế. Ngân hàng hoạt đông hiệu quả, nguồn tiền dồi dào sẽ có điều kiện cung cấp tài chính tốt hơn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư… của nền kinh tế.

Thế nhưng, cũng chính từ thực tế này mới… khó hiểu. Trong khi các ngân hàng “có điều kiện” như thế thì rất nhiều doanh nghiệp lại đang khát vốn hoặc phải chấp nhận vay với lãi suất cao. Chia sẻ từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, vay ngân hàng trong thời gian này rất khó. Thậm chí khó cả với những chương trình có sự hỗ trợ của nhà nước như chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn sau đại dịch, có hiệu lực từ ngày 20-5-2022… Cho đến nay, số doanh nghiệp tiếp cận được chương trình này rất khiêm tốn.

NHTM cũng là doanh nghiệp. Lẽ tất nhiên, họ cũng muốn mở rộng kinh doanh, tăng thị phần… Vậy vì lý do gì mà họ “không chịu” mở hầu bao cho các doanh nghiệp vay? Nhất là khi đích thân Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu ngành ngân hàng có giải pháp gỡ khó tín dụng cho doanh nghiệp. Phải chăng cơ chế còn nhiều vướng mắc hay vì một lý do nào khác nữa?

Thế nhưng, bất luận vì một lý do nào đó thì ngành ngân hàng cũng phải tập trung tháo gỡ hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền tháo gỡ khó khăn trong việc bơm vốn cho nền kinh tế. Bởi lẽ, về lâu dài doanh nghiệp làm ăn được thì nền kinh tế mới phát triển và ngân hàng với tư cách là một thành viên trong đó, mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.

Nói cách khác, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ hay đầu tư xây dựng, bất động sản luôn có mối quan hệ hữu cơ, sống còn với doanh nghiệp ngân hàng. Tất cả cùng tạo nên sức sống mạnh mẽ cho hoạt động kinh tế chung của đất nước. Vì vậy, các ngân hàng, như chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, cần điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 12-2022 có 11.384 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trong đó có 3.776 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, 5.847 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, 1.761 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể…

Tính chung cả năm 2022, cả nước có 143.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy trung bình mỗi ngày có khoảng 200 doanh nghiệp đóng cửa. Tất nhiên, doanh nghiệp giải thể có thể có nhiều lý do nhưng chắc chắn không ít trong số đó là vì kinh doanh khó khăn, thiếu vốn. Do vậy, ngành ngân hàng không thể một mình “ăn mừng” kết quả kinh doanh được nữa…, mà hãy tìm giải pháp chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vì doanh nghiệp và cũng là vì chính mình!

Theo sggp.org.vn

.
.
.