Chủ Nhật, 16/04/2023, 20:47 (GMT+7)
.

Dọn dẹp phim độc hại trên mạng

Thời nay, nhiều người muốn nổi tiếng thường qua hai con đường: Tài năng và chiêu trò. Hiện nay, đa phần nhà sản xuất web drama chọn nổi tiếng bằng chiêu trò. Bởi vậy thị trường web drama-phim được chiếu trên nền tảng mạng xã hội (phim mạng) sản sinh nhiều bộ phim nhảm nhí, phản cảm, độc hại.

Sự bùng nổ của thể loại phim này thời gian qua ngoài lý do kiếm tiền một cách dễ dàng thì còn liên quan đến khâu kiểm duyệt. Sự kiểm duyệt lỏng lẻo khiến thị trường béo bở này trở thành “vàng thau lẫn lộn”. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa thành lập tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng để “dọn dẹp” những nội dung xấu độc là một quyết định đúng, tuy muộn còn hơn không. Công tác kiểm duyệt phim chính là điểm tựa để bảo vệ khán giả, nghệ sĩ cũng như các tác phẩm nghệ thuật chân chính.

Những đoạn phim trái với thuần phong mỹ tục có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, nhận thức của con người. Nó sẽ hướng con người tới những hành vi tiêu cực trong xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ. Do non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, cùng đặc điểm tâm lý thích tìm hiểu, thể hiện cá tính nên một bộ phận giới trẻ chịu sự tác động rất mạnh từ những vấn đề đương đại, trong đó có xu hướng nội dung ngắn trên nền tảng mạng xã hội như phim mạng, TikTok, Instagram, Facebook... Họ sẽ coi những tệ nạn đó là có thật đang diễn ra ngoài xã hội.

Dần dần, người trẻ sẽ hình thành lối sống thờ ơ, thực dụng, thậm chí có nhận thức và hành vi sai lệch trong xã hội. Chưa kể, xu hướng khó cưỡng của những nội dung dạng ngắn sẽ dần khiến con người có thói quen tiếp nhận kiến thức bề nổi. Con người trở nên lười nhác, quên việc đào sâu kiến thức ở những nội dung dạng dài như đọc sách, xem phim tài liệu... dù điều này giúp người xem hiểu sâu về một chủ đề cụ thể và sẽ rất hữu ích trong quá trình ra quyết định của họ sau này.

Biểu tượng của mạng xã hội TikTok. Ảnh minh họa: TTXVN
Biểu tượng của mạng xã hội TikTok. Ảnh minh họa: TTXVN

Web drama hay những phim ngắn là sản phẩm của thời đại số, nên việc kiểm duyệt sẽ vô cùng khó khăn, bởi hệ thống của chúng ta có lẽ chưa bắt kịp xu hướng, sự phát triển đó. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, cần sự tham gia, liên kết các cơ quan chức năng trong việc xử lý vấn nạn này. Khi web drama được đưa vào quản lý, nhà sản xuất phải chủ động gắn mác cho sản phẩm. Nhà quản lý đưa ra những biện pháp về mặt kỹ thuật để ngăn chặn. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần chủ động chặn những nội dung không tốt trên các kênh của mình.

Trong khi chờ đợi các giải pháp được đưa vào hiệu quả, mỗi chúng ta cần nâng cao nhận thức, ý thức, thẩm mỹ. Các cơ quan báo chí truyền thông cần tích cực hơn trong việc tuyên truyền với người dân về tác hại đối với việc xem những nội dung xấu độc. Nhà trường cũng nên đưa nội dung kỹ năng tồn tại trong thế giới số như một kỹ năng cần thiết để dạy ở các cấp học. Xây dựng năng lực số cho học sinh để các em có thể tạo được màng lọc trong việc lựa chọn những sản phẩm có giá trị trên không gian mạng.

Gia đình cần quản lý con em mình tốt hơn trong việc sử dụng các thiết bị thông minh. Chỉ khi con trẻ được trang bị những kiến thức, kỹ năng tốt trong xã hội số thì những nội dung ngắn và kể cả dài có nội dung xấu độc sẽ không còn chỗ đứng và ảnh hưởng đến sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của con trẻ.

(Theo www.qdnd.vn)

 

.
.
.