Thứ Ba, 23/05/2023, 11:48 (GMT+7)
.

Gánh nặng nhà nông

(ABO) Nếu không có tư duy mới mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp thì gánh nặng của nhà nông ngày càng nặng nề hơn.

Cách đây vài năm, phong trào chăn nuôi gà công nghiệp, nhất là gà tre trở nên thịnh hành. Về vùng nông thôn Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), đi đâu cũng nghe bàn tán về nuôi gà tre. Ở những nơi có điều kiện, nhiều trại chăn nuôi gà tre, quy mô từ vài ngàn con đến hơn 10.000 con mỗi trại, lần lượt ra đời. Có thời điểm giá gà tre lên đến xấp xỉ 100.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu lớn cho mỗi hộ dân sau hơn 3 tháng thả nuôi. Tổng số gà tre từ đó cũng tăng nhanh đáng kể.

Tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng với việc xuất hiện khá nhiều chuồng trại với quy mô hơn 10.000 con cũng cho thấy sức hấp dẫn từ gà tre trong giai đoạn này. Thế nhưng, “hào quang” từ chăn nuôi gà tre cũng chỉ duy trì được trong thời gian ngắn. Trong 2 - 3 năm gần đây, giá gà tre lao dốc, chỉ dao động ở mức 50% so với mức giá cao điểm, trong khi giá thức ăn tăng cao. Hệ lụy nhãn tiền là chuồng trại dần thu hẹp lại, hộ nào không cầm cự được thì bỏ trống. Tất nhiên, số lượng nuôi gà tre cũng theo chu kỳ ngược lại so với trước đó. Không ít hộ dân ôm nợ cũng vì con gà tre.

Một thời số lượng gà tre được thả nuôi tăng rất nhanh (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Một thời số lượng gà tre được thả nuôi tăng rất nhanh (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Thông tin mấy ngày gần đây cũng đề cập khá nhiều đến tình hình nuôi gà công nghiệp theo chiều hướng không tích cực. Người nuôi gà công nghiệp cũng đang lỗ nặng do chi phí tăng cao nhưng giá bán lại thấp và duy trì trong thời gian dài. Theo tính toán của người chăn nuôi, giá gà công nghiệp (lông trắng) bán ra hiện phổ biến 22.000 - 24.000 đồng/kg, giảm 6.000 - 8.000 đồng/kg so với mức tốt đầu năm và thấp hơn giá thành sản xuất bình quân khoảng 7.000 đồng/kg.

Mức giá bán thấp cũng được duy trì trong một thời gian khá dài, ít nhất cũng từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Chi phí đầu tư cao, bán giá thấp, đương nhiên người chăn nuôi lỗ vốn. Tùy theo quy mô, số lượng nuôi càng lớn, mức lỗ càng cao. Sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng nhiều người ví von rằng như những cơn thủy triều, lúc lớn lúc ròng nên tính may rủi cũng khá cao.

Dẫn chứng thực tế của ngành Chăn nuôi hiện nay để thấy rằng, tính “phong trào” trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn hiện hữu. Xu hướng chạy theo thị trường tiếp tục là bài toán khó cho ngành Nông nghiệp. Bởi không chỉ có chăn nuôi, mà nhiều lĩnh vực khác, điển hình như trồng cây ăn trái, cũng để lại những bài học nhãn tiền. Thực tế gần đây cũng cho thấy, hết “phong trào” cây này đến hiện tượng cây khác nổi lên nhưng lại không mang tính bền vững.

Thực tế đang đặt ra bài toán khó cho ngành Nông nghiệp cả nước nói chung, Tiền Giang nói riêng Nhìn từ thực tiễn, một trong những quan điểm quan trọng của ngành Nông nghiệp Tiền Giang trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian tới là thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; sản xuất tiết kiệm giống, phân vô cơ, nước; sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đây được xem là bước đi phù hợp với xu hướng chung của nền nông nghiệp cả nước và thích ứng với nhu cầu tiêu thụ hiện đại. Song, việc hiện thực hóa mục tiêu này cũng cần có thời gian và từng bước đi hiệu quả. Hơn hết từng hộ nông dân cũng cần phải chuyển đổi tư duy sản xuất để thích ứng, hạn chế bớt những phong trào cứ rộ lên vài năm rồi lại sụt xuống nhưng hệ lụy để lại là không hề nhỏ.

NT

.
.
.