.

Nghịch lý tín hiệu lạc quan kinh tế và làn sóng trả mặt bằng

Cập nhật: 15:44, 02/05/2023 (GMT+7)

Những tín hiệu lạc quan về tiến độ phục hồi kinh tế và làn sóng ngầm trả mặt bằng kinh doanh ở nơi “đầu tàu kinh tế” của cả nước cho thấy chúng ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

a
Sóng ngầm trả văn phòng quay lại

Hơn 30 năm trước, Việt Nam từng được biết đến là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng nay đã thay đổi và đang từng bước trở thành con hổ mới của Châu Á.

Tăng trưởng GDP của đất nước đã vượt qua 3% vào năm 2021, đến năm 2022 kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,02%. Điều này chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Nên không phải ngẫu nhiên mà chuyên gia Ấn Độ Apha Srirat nói “nếu nói về các nước ASEAN đáng để đầu tư, thì đó phải là Việt Nam”.

Theo một con số thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã có đầu tư từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Trong số này, Singapore đứng đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,2 tỷ USD, chiếm hơn 24,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm 2022. Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2 tỷ USD, chiếm hơn 22,1% tổng vốn đầu tư, tăng gấp 2,63 lần so với cùng kỳ.

Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 752 triệu USD, chiếm gần 8,5% tổng vốn đầu tư, giảm 30% so với cùng kỳ. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc cũng đang đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 16,1%).

Điều này cũng có nghĩa, có thêm nhiều khu công nghiệp, nhà máy chế biến chế tạo, sản xuất được hình thành từ nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nó cũng cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam để đưa ra các quyết định đầu tư mới.

Đó là những tín hiệu rất tích cực phục hồi kinh tế đầu năm. Nhưng với độ mở lớn của nên kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta sẽ chống chịu như thế nào với những cú sốc kinh tế từ bên ngoài như dịch bệnh, xung đột, giá cả, lạm phát…
Nhiều mặt bằng kinh doanh tại Hà Nội treo biển cho thuê

a
Nhiều mặt bằng kinh doanh tại Hà Nội treo biển cho thuê

Minh chứng là, trong tháng 4, nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cắt giảm diện tích văn phòng, có đơn vị đóng cửa nhiều chi nhánh để tiết kiệm chi phí do kinh doanh khó khăn.

Theo báo cáo Qúy I của nhiều công ty như Savills Việt Nam, CBRE Việt Nam, Cushman & Wakefield… đều cho thấy Quý đầu năm, công suất thuê văn phòng đang đi xuống. Trong đó, báo cáo từ Cushman & Wakefield cho thấy tỷ lệ lấp đầy ở văn phòng hạng A và B lần lượt giảm 1,6 và 2,1 điểm phần trăm, chủ yếu do kinh doanh khó khăn khiến khách thuê cắt giảm chi phí..v..v.

Trưởng bộ phận kinh doanh của một công ty môi giới bất động sản, cho hay công ty ông đã đóng cửa 3 văn phòng chi nhánh tại khu Nam, Tây và Đông TP Hồ Chí Minh. Hiện công ty chỉ còn giữ lại một văn phòng đại diện tại TP Thủ Đức. Động thái này nhằm cắt giảm chi phí trong bối cảnh thị trường địa ốc trầm lắng kéo dài. Việc đóng bớt các văn phòng giúp công ty giảm được hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Còn nhớ, làn sóng trả mặt bằng thu hẹp diện tích văn phòng từng diễn ra mạnh mẽ giai đoạn cao điểm COVID-19. Lúc đó, nhiều văn phòng ở “đất vàng” thành phố bị thu hẹp ồ ạt khi khách thuê lớn di dời từ tòa nhà hạng A xuống phân khúc hạng B, thậm chí mục tiêu là tìm kiếm tòa nhà có chi phí thuê thấp hơn, ở xa trung tâm.

Vì thế, làn sóng ngầm trả mặt bằng đang có dấu hiệu quay lại thị trường TP Hồ Chí Minh đầu năm nay có vẻ nghịch lý nếu nhìn một cách tổng quan. Nhưng là dấu hiệu cho chúng ta thấy nền kinh tế vẫn còn đó những khó khăn, thách thức.

Đó là những sự xuất hiện của các biến chủng COVID-19 cùng với hoạt động kinh tế gián đoạn vẫn là rủi ro chính. Áp lực lạm phát dai dẳng và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh hơn, nhất là tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển..

Tuy nhiên, những khó khăn trong ngắn hạn có thể tạo ra đường băng để nền kinh tế cất cánh, theo lý thuyết “sự hủy diệt mang tính sáng tạo” của nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter (1942), để chỉ “quá trình biến đổi công nghiệp, liên tục cách mạng hóa cơ cấu kinh tế từ bên trong, liên tục phá hủy cái cũ, liên tục tạo ra cái mới”.

 Bài toán lúc này đó là sự thận trọng áp lực tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sẽ tăng cao trong các tháng tới đây. Do vậy, một trong những ưu tiên ngay từ đầu Quý II tới là tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát giá cả, thị trường và bảo đảm lưu thông hàng hóa, cũng như thúc đẩy sản xuất trong nước để tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu trong nước, qua đó hạn chế tác động của sự tăng giá thế giới tới thị trường Việt Nam.

Theo diendandoanhnghiep

.
.
.