Thứ Sáu, 09/06/2023, 18:16 (GMT+7)
.

Đừng để thiếu vắc xin!

Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang thiếu nhiều loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng như vắc xin sởi, vắc xin 3 trong 1, đặc biệt đã cạn kiệt vắc xin 5 trong 1, trong khi các loại vắc xin này rất quan trọng, giúp trẻ ngăn ngừa được nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Hiện nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, An Giang là tỉnh đầu tiên hết hoàn toàn vắc xin 5 trong 1 (ho gà, uốn ván, bạch hầu, bại liệt và bệnh do HiB gây ra) từ đầu năm 2023 và chưa có nguồn cấp lại. Các tỉnh Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã hết hoàn toàn; Bình Dương, Cần Thơ còn một ít nhưng chỉ đủ dùng trong thời gian ngắn; nhiều quận, huyện Hà Nội cũng rơi vào tình trạng thiếu vắc xin 5 trong 1 từ tháng 4 đến nay. Không chỉ có vắc xin 5 trong 1, 3 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván) , mà nhiều loại vắc xin khác trong chương trình cũng đang cạn kiệt. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Điều đáng nói là ngoài vắc xin 5 trong 1 là phải nhập khẩu, thì có tới có tới 11/12 loại vắc xin trong chương trình các công ty trong nước có thể sản xuất được.

 Tiêm vắc xin giúp tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ. (Ảnh minh họa)
Tiêm vắc xin giúp tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ. (Ảnh minh họa)

Nói về nguyên nhân của tình trạng thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, theo giải trình của ngành Y tế, từ trước năm 2022, Bộ Y tế là cơ quan được Nhà nước phân bổ ngân sách, giao đàm phán, đấu thầu, mua sắm vắc xin, phân bổ cho các địa phương. Từ năm 2023, việc mua sắm vắc xin được chuyển đổi từ chương trình mục tiêu y tế dân số thành nhiệm vụ chi thường xuyên cho các địa phương, quy định cụ thể tại Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15-8-2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình TCMR giai đoạn 2021 - 2030 “Ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí mua vắc xin theo lộ trình. Ngân sách địa phương bố trí kinh phí tổ chức triển khai tiêm chủng tại địa phương”.

Mặc dù nghị quyết đã được ban hành nhưng hiện các địa phương chưa thực hiện được việc mua bán vắc xin. Đến ngày 1-6, Bộ Y tế đã nhận được văn bản của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện, mà chủ yếu là các vướng mắc trong việc bố trí kinh phí của địa phương, giá mua sắm, chủng loại vắc xin, thủ tục đấu thầu, tổ chức thực hiện… Hầu hết các địa phương đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc thực hiện đàm phán giá các loại vắc xin.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Y tế, đối với việc đặt hàng vắc xin sản xuất trong nước cho chương trình tiêm chủng mở rộng, hiện chưa có quy định của pháp luật cho phép Bộ Y tế đặt hàng tập trung để ký thỏa thuận khung, xác định giá thống nhất và các địa phương ký hợp đồng.

Để đảm bảo nguồn cung vắc xin tiêm chủng mở rộng cho các địa phương, ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã có tờ trình báo cáo Chính phủ và đề xuất một số giải pháp. Theo đó, đối với vắc xin sản xuất trong nước, Bộ Y tế đề nghị có thể thực hiện theo hình thức đặt hàng. Các địa phương đăng ký nhu cầu với Bộ Y tế, thực hiện ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng. Bộ Y tế căn cứ vào số lượng, nhu cầu thông báo cho các cơ sở sản xuất để xây dựng phương án giá đặt hàng tính đủ các yếu tố chi phí; tổng hợp phương án giá, gửi Bộ Tài chính để thẩm định, phê duyệt giá đặt hàng. Các địa phương căn cứ vào số lượng đã đăng ký, giá được duyệt, thực hiện ký hợp đồng mua và thanh toán trực tiếp cho đơn vị sản xuất.

Đối với vắc xin 5 trong 1, Bộ Y tế thực hiện đấu thầu tập trung, các địa phương đăng ký số lượng và đơn vị mua sắm tập trung của Bộ Y tế tiến hành đàm phán giá, ký thỏa thuận khung; các địa phương ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp từ nguồn ngân sách địa phương.

Rõ ràng, việc thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ không phải vì chúng ta không có tiền, cũng không phải do thay đổi chủ trương, mà do cơ chế chính sách của ta chưa phù hợp, do thay đổi cách làm dẫn đến lúng túng từ nhiều phía. Và hệ quả là đã có rất nhiều trẻ em phải trì hoãn việc tiêm chủng hoặc chuyển sang tiêm chủng dịch vụ với chi phí đắt đỏ. Đây là điều vô cùng đáng tiếc bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước.

Chúng ta đã mất rất nhiều thời gian, công sức để đưa vắc xin vào chương trình tiêm chủng mở rộng, mất nhiều thời gian để thay đổi quan điểm của người dân về tiêm vắc xin, và thực tế đã chỉ ra rằng, trong 40 năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng đã giúp chúng ta tạo được miễn dịch cộng đồng, nâng cao sức khỏe của người dân. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tham gia tiêm chủng mở rộng là "đúng lịch, không trì hoãn, không chậm trễ". Nhưng việc thiếu vắc xin hiện nay lại khiến việc tiêm chủng theo lứa tuổi không kịp thời, người dân buộc phải bỏ tiền tiêm vắc xin dịch vụ hoặc bỏ, trì hoãn tiêm, ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực nâng cao tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh cho trẻ em, tạo cơ hội cho các dịch bệnh đã bị đẩy lùi quay trở lại.

Hiện nay có rất nhiều bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, mà biện pháp tối ưu là tiêm vắc xin nâng cao miễn dịch của cơ thể, ngăn ngừa bệnh. Do đó, cần càng sớm càng tốt khắc phục tình trạng thiếu vắc xin, mà cụ thể là ngành Y tế cần có những biện pháp nhanh, quyết liệt, tháo gỡ khó khăn trong các thủ tục mua – bán vắc xin, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà “không để thiếu vắc xin cho tiêm chủng mở rộng”, sớm cân đối nguồn vắc xin viện trợ, xem xét phương án thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá để các địa phương có căn cứ mua sắm, sớm đưa đủ vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đối với các bậc phụ huynh, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho con em mình, đồng thời nâng cao khả năng phòng, chống bệnh tật bằng biện pháp tăng cường dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ, cố gắng bố trí ngân quỹ cho trẻ được tiêm dịch vụ khi vắc xin trong chương trình đang bị gián đoạn, bởi suy cho cùng, sức khỏe là vô giá mà không ai có thể mua hoặc đánh đổi được./.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.