Thứ Hai, 26/06/2023, 11:56 (GMT+7)
.

Nhiệm vụ bất khả thi?

Chính phủ vừa ban hành Quyết định 515/QĐ-TTg ngày 15-5-2023 phê duyệt chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025. Trong đó, tại điểm c Điều 6, mục II nhấn mạnh: “Phấn đấu sản xuất trong một năm khoảng 45 tác phẩm phim truyện điện ảnh, 90 tác phẩm phim tài liệu - khoa học và 40 tác phẩm phim hoạt hình (trong đó có khoảng 30% số phim được đặt hàng từ ngân sách nhà nước)”.

Với phim tài liệu - khoa học và phim hoạt hình, con số trên có thể đạt được nếu phấn đấu hết sức. Nhưng riêng ở lĩnh vực phim truyện điện ảnh, quy đổi từ con số 30%, tức là mỗi năm có khoảng 15 phim được đặt hàng từ ngân sách nhà nước, đó được xem như là một “nhiệm vụ bất khả thi”.

Trong vài năm trở lại đây, số lượng phim được thực hiện theo đơn đặt hàng từ ngân sách nhà nước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những phim gần nhất có thể kể đến như: Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác; Bình minh đỏ; Thạch thảo; Cơn giông… Trong năm 2023 có 3 dự án được khởi động gồm: Đào, phở và piano; Hồng Hà nữ sĩ và Phơi sáng. Ngay cả thời kỳ thịnh vượng nhất của dòng phim nhà nước cũng chưa có năm nào vượt qua số lượng 10 phim được sản xuất. Điện ảnh Việt chỉ thực sự bùng nổ về số lượng vào cuối thập niên 2010 khi các đơn vị tư nhân ồ ạt nhập cuộc. Như thời điểm năm 2019 đạt đỉnh với khoảng hơn 40 phim trước khi bị chững lại do dịch bệnh và sự thua lỗ kéo dài.

Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 quy định 3 hình thức sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước gồm: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu. Nhưng, ngay từ trước khi luật đi vào cuộc sống vẫn chưa có tác phẩm nào được thực hiện theo hình thức đấu thầu, bởi vướng nhiều bất cập cũng như sự chồng chéo với các văn bản luật có liên quan.

Con số 30% nhìn ở khía cạnh lạc quan sẽ có tác động đến các hãng phim nhà nước hậu cổ phần hóa. Đồng thời sẽ kích thích mô hình hợp tác công tư trong sản xuất phim. Điều này càng có ý nghĩa đối với các dòng phim lịch sử, chiến tranh, phim thiếu nhi… luôn khiến các nhà sản xuất e ngại bởi phải đầu tư nhiều, khó thu hồi vốn. Dẫn chứng vẫn được nói đi nói lại trong nhiều hội thảo về điện ảnh là trường hợp của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (năm 2015) khi thành công cả về phòng vé lẫn chất lượng nghệ thuật. Nhưng sau đó, Thạch thảo (năm 2018) và Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác (năm 2022) đã “ngã ngựa” ở phòng vé.

Liên quan đến câu chuyện phim đặt hàng có hai luồng quan điểm trong suốt giai đoạn lấy ý kiến cho Luật Điện ảnh (sửa đổi). Thứ nhất, một số chuyên gia cho rằng, phim sản xuất từ kinh phí nhà nước trước hết nhằm phục vụ mục đích chính trị. Do đó, nếu bắt nó phải gánh vác thêm trọng trách mang về doanh thu phòng vé lớn là điều không dễ dàng. Phản bác luận điểm trên, nhiều người muốn xem xét lại chất lượng và giá trị thực sự của dòng phim này; cần làm rõ lý do thành công, thất bại.

Đặt ra con số 30% thể hiện ý chí phấn đấu của cơ quan quản lý với những căn cứ là sự cởi mở của các văn bản quy phạm pháp luật ở lĩnh vực điện ảnh, tiềm năng phát triển thị trường… Cuối năm 2022, lần đầu tiên Cục Điện ảnh gửi thư mời các cơ sở điện ảnh gửi kịch bản sản xuất phim ngân sách nhà nước nhằm tạo nên sự cạnh tranh công bằng. Đó được xem là sự chuyển mình tích cực. Nhưng, để đạt đến con số mục tiêu nói trên cần thêm rất nhiều sự thông thoáng, linh hoạt và cả những đột phá, trước hết trong tư duy để việc sản xuất phim bằng ngân sách nhà nước thay đổi theo hướng tích cực, thiết thực. Đi kèm với những sự cởi mở còn là sự thay đổi đồng bộ ở tất cả các khâu từ sản xuất đến phát hành, quảng bá. Đừng để tình trạng bình mới rượu cũ và con số kia vẫn chỉ là mục tiêu bất khả thi.

(Theo www.sggp.org.vn)

 

 

.
.
.