.

Sức mạnh của "thiết chế báo chí"

Cập nhật: 20:58, 26/06/2023 (GMT+7)

Sức mạnh của báo chí bắt nguồn từ khả năng cung cấp thông tin nhanh chóng, tạo diễn đàn trao đổi đa chiều, hình thành các chiều hướng dư luận xã hội khác nhau.

a
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham quan Triển lãm "Báo chí với hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Khoảnh khắc Diên Hồng". Ảnh: Thống Nhất

Từ lâu, báo chí đã được coi là quyền lực thứ tư, bên cạnh các quyền lực hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Khi báo chí liên tục cập nhật thông tin về một vấn đề nào đó và thu hút được nhiều luồng ý kiến, phân tích, bàn luận và tranh luận thì có thể hình thành áp lực xã hội ngày càng lớn, tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành vi của cá nhân, tổ chức.

Thiết chế báo chí mới

Vì thế, đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu, mối quan tâm của bạn đọc chính là yếu tố then chốt hàng đầu để bảo đảm sức sống cho thiết chế báo chí. Mỗi cơ quan báo chí sẽ phải xác định rõ ràng sứ mệnh và nhiệm vụ của mình, đi kèm với đó là nhóm đối tượng độc giả hướng đến. Có thể nói, nếu không hình thành được một tệp độc giả trung thành thì cơ quan báo chí sẽ đứng trước nhiều nguy cơ, thậm chí không thể tồn tại.

Cũng chính bởi sự phụ thuộc rất lớn vào độc giả mà thiết chế báo chí dễ bị cuốn theo việc thảo mãn nhu cầu, thị hiếu cá nhân trong khi lại lơ là những vấn đề căn cốt, nền tảng đối với một cộng đồng xã hội. Biểu hiện dễ thấy nhất là hiện tượng báo chí chạy theo những vụ việc thời sự, tìm mọi cách khai thác những góc khuất “nóng bỏng”, thậm chí những thông tin tiêu cực, chưa từng biết về một chủ thể nào đó nhằm thu hút sự quan tâm, qua đó gia tăng lượng độc giả.

Kỷ nguyên số hình thành với sự xuất hiện của máy tính cá nhân từ cuối những năm 1970, internet vào đầu những năm 1990, và điện thoại thông minh vào những năm 2010, đã giúp báo chí thực hiện một cuộc cách mạng triệt để và gia tăng quyền lực thêm bội phần. Những tòa soạn hội tụ, kết hợp đa phương tiện hiện đại đã đưa báo chí đến gần hơn với lượng độc giả không bị giới hạn. Sức mạnh của mỗi cơ quan báo chí không còn phụ thuộc vào số lượng bản in, mà được quyết định bởi số views với từng bài báo.

Báo chí và môi trường kinh doanh

Đời sống kinh tế và môi trường kinh doanh liên quan đến cuộc sống hàng ngày của từng người dân chính là nơi dễ thấy nhất những biểu hiện quyền lực báo chí có thể bị lạm dụng để phục vụ những lợi ích vị kỷ. Thời gian gần đây, khi một số doanh nghiệp lớn “ngã ngựa”, bên cạnh những thông tin phản ánh khách quan, trung tính thì cũng có hàng loạt tin, bài, hình ảnh được tung ra theo kiểu “bóc phốt” doanh nghiệp và cá nhân doanh nhân.

Điều đáng lo ngại là những dạng bài khai thác vụ việc theo lăng kính tiêu cực lại dễ thu hút độc giả hơn, qua đó có thể kiến tạo nhận thức xã hội theo ý muốn của chủ thể nào đó. Nghiêm trọng hơn, những loạt bài chỉ khai thác thông tin tiêu cực, diễn ra trong thời gian dài có thể khắc họa hình ảnh và nhận thức lệch lạc trong xã hội về môi trường sản xuất, kinh doanh, cũng như đội ngũ doanh nhân ở nước ta.

Ở chiều hướng ngược lại, báo chí cũng có thể được sử dụng để “tô hồng thực tế” khi cung cấp thông tin, kiến tạo dư luận và nhận thức xã hội về một thực tế tốt đẹp thái quá. Bất kỳ chủ thể nào trong xã hội cũng có thể thông qua báo chí để khắc họa những hình ảnh tích cực quá mức về mình, qua đó định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin xã hội theo hướng có lợi cho mình. Bằng cách này, chủ thể lợi dụng báo chí sẽ duy trì được vị thế và bảo đảm, gia tăng được lợi ích của mình trong tương quan với các chủ thể khác.

Chúng ta cũng có thể đồng thuận với nhau rằng khi quyền lực báo chí bị lợi dụng để phục vụ những lợi ích vị kỷ thì đều sẽ không có lợi, thậm chí cản trở sự phát triển của cộng đồng xã hội. Cũng có nghĩa, một xã hội muốn phát triển bền vững thì tất yếu cần ngăn chặn các nguy cơ quyền lực báo chí bị lợi dụng cho các mục đích tô hồng, bôi đen, hay xuyên tạc thực tế. Kỷ nguyên số đã và đang gia tăng quyền lực cho báo chí nhưng cần phải bảo đảm rằng quyền lực đó được sử dụng để phụng sự phát triển.

Phụng sự phát triển

Bài học thành công từ các nước trong khu vực cũng cho thấy một quốc gia sẽ không thể đạt được vị thế hùng cường nếu chỉ là nơi cung cấp địa điểm, nhân công, nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp nước ngoài. Do những hạn chế về trình độ phát triển, một đất nước có thể chấp nhận trở thành “công xưởng” hay “trung tâm cung ứng dịch vụ” cho các nền kinh tế khác, thậm chí của khu vực và thế giới để giải quyết những nhu cầu trước mắt. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục vai trò phụ thuộc và bị động như vậy thì sẽ mãi chỉ là nền kinh tế làm thuê ngay trên đất nước mình.

Cũng có nghĩa, khả năng hiện thực hóa giấc mơ quốc gia hùng cường phụ thuộc rất lớn vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp dân tộc. Mà sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước lại phụ thuộc vào môi trường sản xuất, kinh doanh. Để có được môi trường sản xuất, kinh doanh hiện đại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì không chỉ cần sự điều chỉnh chính sách của Nhà nước mà còn cần đến sự vun đắp niềm tin tích cực trong cộng đồng doanh nhân và xã hội nói chung.

Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phụng sự phát triển đối với thiết chế báo chí. Cụ thể hơn, đó là yêu cầu về vai trò kiến tạo niềm tin tích cực đối với môi trường sản xuất, kinh doanh ở nước ta. Để đáp ứng được kỳ vọng vai trò, báo chí cần quan tâm hơn đến các vấn đề tạo khung khổ nền tảng cho nền kinh tế, kinh doanh, như: thúc đẩy mức độ tự do kinh tế, bảo vệ các quyền tài sản, khơi thông nguồn lực, giảm thiểu can thiệp hành chính của Nhà nước vào nền kinh tế…

Theo diendandoanhnghiep.vn

.
.
.