Thứ Năm, 01/06/2023, 21:07 (GMT+7)
.

Tiếp nối một kỳ thi nhân văn

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Đến nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã đi được hơn nửa chặng đường. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được ban hành đầy đủ. Nhiều đầu việc đã hoàn thành như: Tập huấn quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi; tổ chức đăng ký dự thi; thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT các cấp; thành lập Hội đồng thi, phân công nhiệm vụ các thành viên…

Từ 1/6, đơn vị đăng ký dự thi tiến hành nhập, rà soát dữ liệu xét công nhận tốt nghiệp của thí sinh vào Hệ thống quản lý thi. Chậm nhất 11/6 sẽ thông báo công khai trường hợp không đủ điều kiện dự thi. Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ coi thi và chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện cần thiết để tổ chức thi tại các điểm thi hoàn thành chậm nhất đến 24/6. Ban Coi thi làm việc từ 25/6 để chính thức tổ chức coi thi trong các ngày 28 - 29 và 30/6…

Có thể thấy, với kinh nghiệm nhiều năm, chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT với các địa phương đã quen tay, thạo việc. Sự ổn định phương án thi, Bộ GD&ĐT công bố sớm các văn bản hướng dẫn là cơ sở quan trọng để địa phương chủ động trong công tác này. Một trong những minh chứng là năm nay có hơn chục địa phương đã ban hành Chỉ thị về kỳ thi trước khi có Chỉ thị của Thủ tướng. Các chỉ thị đều phân rõ nhiệm vụ từng sở, ban, ngành trong quá trình tổ chức.

Cùng mục tiêu tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, thí sinh chính là đối tượng trung tâm, được quan tâm trong chỉ đạo tổ chức kỳ thi của mọi địa phương. “Không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại” là yêu cầu quen thuộc từ nhiều năm nay, cũng là điểm sáng nhân văn được ghi nhận trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT mỗi năm.

Với tinh thần chung này, địa phương có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong ngày thi, huy động nguồn lực nhằm tạo thuận lợi nhất về đi lại, ăn, nghỉ; nhất là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; quan tâm chăm sóc sức khỏe cho sĩ tử trong những ngày thi... Mọi thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng được tạo điều kiện để có thể tham dự kỳ thi - điều này đã có minh chứng sinh động từ thực tiễn.

Một tháng nữa kỳ thi mới diễn ra, nhưng chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2023 được phát động ở nhiều địa phương với quyết tâm mọi học sinh khó khăn đều được hỗ trợ. Như Gia Lai, Tỉnh đoàn sẽ đưa đón miễn phí thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt, vùng sâu, xa, thí sinh khuyết tật; vận động các nguồn lực để hỗ trợ thí sinh chỗ ăn, ở, khẩu trang, dụng cụ học tập, thậm chí cả học bổng cho học sinh khó khăn.

Tỉnh đoàn Tiền Giang có hoạt động tương tự với 5 đội hình tình nguyện: Tình nguyện Hoa phượng đỏ, xe tình nguyện mùa thi, đầu bếp xanh tình nguyện mùa thi, tư vấn Tiếp sức mùa thi, an ninh trật tự - an toàn giao thông. Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2023 tại Đắk Lắk có nhiều hoạt động trước và trong kỳ thi; trong đó tập trung tổ chức đội hình “Tình nguyện số - Tiếp sức mùa thi”, hoạt động “Bí kíp ôn thi đạt điểm cao”, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

“Tất cả vì thí sinh”, “cả hệ thống chính trị, toàn xã hội cùng vào cuộc” không là khẩu hiệu mà được thực hiện với tất cả tinh thần trách nhiệm, hoạt động cụ thể, ý nghĩa, thiết thực. Chính tinh thần này góp phần quan trọng làm nên thành công các Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

(Theo giaoducthoidai.vn)

.
.
.