Chủ Nhật, 04/06/2023, 09:19 (GMT+7)
.

Trang phục và truyền thống

Câu chuyện một đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV vừa đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân nam tại các kỳ họp, bên cạnh trang phục khác, đã nhận được nhiều ý kiến bình luận từ cộng đồng.

a
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 31-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Vấn đề này không mới. Trước đó, đã có đại biểu đề nghị Bộ VH-TT-DL báo cáo với Quốc hội, Chính phủ xây dựng Luật nghi lễ, nghi thức, quốc phục, quốc hoa, khuyến khích nam giới và nữ giới mặc áo ngũ thân truyền thống trong những sự kiện quan trọng.

“Bàn tới bàn lui”, thực tế, Việt Nam vẫn chưa có một bộ quốc phục nào làm chuẩn chung, vì thế mà khi có ý kiến đề xuất, những quan điểm trái chiều được nêu ra cũng là điều dễ hiểu.

Những năm gần đây, trong nỗ lực của các cơ quan quản lý về văn hóa cũng như tinh thần tự hào truyền thống dân tộc, nhiều nhóm bạn trẻ đưa cổ phục mà cụ thể là áo dài truyền thống, áo dài ngũ thân trở lại trong các hoạt động của mình. Giới trẻ gần đây cũng đã chủ động tham gia vào các thảo luận, bàn tròn về văn hóa, một trong những hướng xử lý phổ biến nhất là “phục cổ” (phong trào “phục cổ” mang nghĩa khôi phục và cố gắng tái tạo lại các cổ vật, lễ nghi và tập quán cổ). Điều này đem lại những chuyển biến tích cực trong việc giới thiệu các thành tựu của quá khứ với cộng đồng dân cư hiện tại.

Tuy nhiên, chỉ tập trung vào “cổ phong” thôi là chưa đủ, vì như vậy dễ bỏ qua tính chất liên tục và đa dạng của văn hóa. Văn hóa biểu hiện ở rất nhiều khía cạnh trong đời sống và là một dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại. Và nếu quá nóng vội, dễ rơi vào tình trạng “phục cổ” bề ngoài mà không xử lý được những vấn đề chiều sâu.

Một trang phục truyền thống không dừng lại ở khía cạnh vật lý (vải vóc, màu sắc, hoa văn), mà còn bao gồm những ý nghĩa tinh thần (nó được mặc trong những dịp nào, ý nghĩa mà cư dân quá khứ tri nhận, những cấm kỵ, điều kiện không gian và ánh sáng để vật liệu bộc lộ đầy đủ vẻ đẹp vốn có…).

Bên cạnh đó, có những vấn đề cần đào sâu hơn để thực sự trân trọng văn hóa truyền thống, ví dụ đặt ra các câu hỏi như: Tại sao cổ nhân lại ăn mặc món đồ này vào mùa đông mà không phải mùa hạ? Tại sao trong nghi lễ A lại mặc thể thức quần áo B mà không phải kiểu khác? Rồi chính trong hình thức lễ nghi cúng trời đất hay hôn phối, tại sao các thời kỳ lại lựa chọn thay đổi lễ nghi, y trang và các thay đổi này chứa đựng các mã văn hóa và tư duy ra sao? Hiện nay các câu hỏi này vẫn còn được rất ít người quan tâm, do đó dù có tái tạo được quần áo thì những cổ phục này vẫn chưa nổi bật về mặt ý nghĩa hoặc chưa toàn vẹn được cảm xúc ban đầu.

Những kiến nghị, đề xuất về văn hóa mà cụ thể ở đây là trang phục, cho thấy một tín hiệu đáng mừng, trong dòng chảy của nhịp sống hiện đại, hội nhập quốc tế đa chiều, những giá trị truyền thống dân tộc vẫn được quan tâm, giữ gìn. Nhưng trước khi khoác tấm áo bằng niềm kiêu hãnh và tự hào về cội nguồn cha ông, trước hết cần ở mỗi cá nhân là ý thức đầy đủ về sự đa dạng và liên tục của văn hóa, cũng như kiên nhẫn hơn trong khâu nghiên cứu và cởi mở hơn trong đối thoại để liên tục đổi mới tư duy. Văn hóa có nhiều cách định nghĩa, nhưng chắc chắn không phải là cách gồng mình để khoác vội một chiếc áo, rồi tự hào đó là giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc.

Xa hơn những giá trị nhìn thấy, đó là chính là chiều sâu tinh thần, tái dựng văn hóa để lễ phục cổ của người Việt có thể được “phục cổ” một cách toàn vẹn. Không có gì đẹp hơn khi ta mặc áo tế lễ trong đúng dịp trang trọng lễ nghi, áo hôn phối theo đúng thể thức của nghi lễ quan trọng đã truyền đi bao thế hệ này…

Cổ phục rất đẹp, nhưng sẽ đẹp trọn vẹn hơn khi chúng được tái dựng, được “sống” trong đúng môi trường vốn dĩ của chúng, như vậy chúng ta mới có thể cảm nhận được đầy đủ tinh thần truyền thống dân tộc.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.