Hạn chế "nhân tai" để phòng, chống thiên tai
Mưa lũ, lốc xoáy, sạt lở đất đã và đang gây nhiều thiệt hại về người, tài sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Chỉ tính từ tháng 3-2023 đến nay, địa phương này đã có 6 người chết do sạt lở đất. Từ một đô thị hiền hòa, thơ mộng, ít xảy ra thiên tai, TP Đà Lạt vài năm gần đây thường xảy ra cảnh "trên sạt, dưới ngập", trở thành nỗi lo của chính quyền và người dân, ảnh hưởng đến phát triển du lịch.
Đánh giá nguyên nhân gây ra ngập lụt và sạt lở đất cơ quan chức năng địa phương thường xác định do thiên tai, nghĩa là do sự bất thường, cực đoan của thời tiết, biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhìn nhận thấu đáo bản chất của vấn đề, giới chuyên gia cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan thì yếu tố “nhân tai” có vai trò quan trọng. Sự can thiệp quá mức, thiếu khoa học, đi ngược lại quy luật tự nhiên của con người đối với môi trường tự nhiên đã gây ra những hệ lụy khó lường.
Mưa lũ gây sạt lở đất ở Lâm Đồng. Ảnh: TTXVN |
Trong nhiều trường hợp, "nhân tai" làm cho thiên tai trở nên khốc liệt hơn. Điều này đặt ra yêu cầu phải gắn công tác phòng, chống "nhân tai" trong phòng, chống thiên tai. Thậm chí phòng, chống "nhân tai" phải đi trước một bước. Đây cũng là một trong những nội dung tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.
Theo đó, hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải gắn với công tác quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các quy hoạch, dự án phát triển khu đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông; bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển; kiểm soát chặt chẽ công tác xây dựng nhà cửa công trình ven sông, suối, kênh rạch, ven biển; khắc phục tình trạng nhà cửa, công trình lấn chiếm dòng chảy, làm tăng nguy cơ sạt lở; xử lý nghiêm tình trạng khai thác đất đai, khoáng sản trái phép, lấn chiếm, sử dụng đất ven sông, ven biển gây cản trở thoát lũ, ảnh hưởng đến an toàn đê điều.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, đồng thời phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể nhằm hạn chế, giảm thiểu những hoạt động tiêu cực của con người đối với thiên nhiên và không gian sinh sống chính là một trong những giải pháp căn cơ, lâu dài, góp phần hạn chế, giảm nhẹ tác hại của thiên tai đối với cuộc sống của chúng ta.
(Theo www.qdnd.vn)